Nga đã hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích từ Washington và châu Âu khi triển khai quân đội tại bán đảo Crimea, kèm với đó là những lời đe dọa trừng phạt nếu ngoại giao thất bại.
Mỹ đã dừng các cuộc đàm phán thương mại và đầu tư với Nga. Ngoại trưởng Mỹ - John Kerry còn đề cập đến việc cô lập Nga thông qua cấm cấp thị thực nhập cảnh và đóng băng tài sản.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo châu Âu lại tỏ ra khá thận trọng về vấn đề này. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến tổ chức phiên họp khẩn vào ngày mai để bàn về các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Theo CNN, việc này không đáng ngạc nhiên, nếu xét đến mức độ phụ thuộc kinh tế giữa Nga và EU.
Khi khu vực đồng euro vẫn đang gượng dậy từ sau khủng hoảng. Vì thế, các lãnh đạo đều phải suy nghĩ rất cẩn thận về các biện pháp có thể gây rủi ro cho họ. "Khả năng cao nhất bây giờ là EU chỉ tuyên bố về nguy cơ trừng phạt Nga và ngừng đàm phán các dự án hợp tác dài hạn. Họ sẽ không thực sự áp đặt các lệnh trừng phạt trực tiếp lên những vấn đề nhạy cảm như dịch chuyển vốn, hàng hóa và con người", các nhà phân tích tại Teneo Intelligence cho biết.
Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU, sau Mỹ và Trung Quốc. Tổng kim ngạch giao dịch hàng hóa giữa hai bên đã đạt kỷ lục 336 tỷ euro (462 tỷ USD) năm 2012, gấp hơn 10 lần giữa Nga và Mỹ. Nếu tính cả dịch vụ, con số này còn lên tới 520 tỷ USD.
Nga cũng là nước cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU. Vì vậy, giá dầu mỏ và khí đốt đã tăng mạnh hôm thứ Hai do lo ngại đứt nguồn cung chạy qua Ukraine. Trong khi đó, hàng xuất khẩu của EU lại chủ yếu là máy móc, sản phẩm hóa học, y tế và nông nghiệp.
Không nước nào tại châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga như Đức. Cựu Thủ tướng Đức - Gerhard Schroeder là Chủ tịch Nord Stream - liên doanh giữa đại gia khí đốt Nga – Gazprom và 4 hãng năng lượng lớn khác (từ Đức, Hà Lan và Pháp). Nord Stream đã đầu tư 7,5 tỷ euro (10,3 tỷ USD) để xây đường ống dẫn khí qua biển Baltic, cho phép hàng xuất khẩu Nga đi qua Ukraine.
Hãng năng lượng Anh BP cũng là cổ đông lớn thứ hai trong công ty dầu khí Nga – Rosneft. "Nếu trừng phạt Nga, các lệnh này sẽ nhằm vào quan chức chủ chốt hơn là nền kinh tế. Châu Âu quá lệ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga để có thể trừng phạt thương mại", Neil Shearing – kinh tế trưởng các nền kinh tế mới nổi tại Capital Economics nhận xét.
Mối quan hệ giữa Nga – EU thậm chí còn khăng khít hơn. EU là nhà đầu tư lớn nhất của Nga, theo Ủy ban châu Âu (EC). Họ ước tính khoảng 75% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga là từ các nước thành viên EU. Nhà đầu tư Nga cũng nắm giữ số tài sản trị giá hàng tỷ USD tại các ngân hàng châu Âu.
Bên cạnh đó, người giàu Nga đang đổ đến Tây Âu ngày một nhiều. Do họ có thể hưởng thuế thấp như tại Síp, đầu tư vào bất động sản cao cấp hay chọn trường tốt cho con cái.
Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank cho biết Người Nga đóng góp khoảng 9% doanh số nhà trên 1 triệu bảng tại London, trong 12 tháng tính đến hết tháng 6 năm ngoái. Theo đó, người Nga là người mua nước ngoài lớn nhất với bất động sản London.
Các trường tư tại Anh cũng được hưởng lợi từ nhà giàu Nga. Số liệu đầu năm ngoái từ Hiệp hội trường tư Anh cho thấy số học sinh Nga theo học các trường tư tại đây đã tăng 27% so với năm trước đó. Học sinh Nga cũng nhiều thứ ba, sau Trung Quốc và Đức, trong nhóm học sinh ngoại quốc tại đây.
Hà Thu