Theo Reuters, chiến lược đa dạng hóa nguồn cung 5G nhằm giảm sự phụ thuộc của các quốc gia và công ty khai thác viễn thông vào một nhà cung cấp nhất định. Hiện Huawei (Trung Quốc) là nhà sản xuất thiết bị viễn thông số một thế giới, đứng sau là Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển).
Tháng 11 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý áp dụng chính sách cứng rắn đối với các nhà cung cấp 5G nhằm giảm rủi ro an ninh mạng cho mạng di động thế hệ tiếp theo, được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh. "Dù đã có một số tiến triển, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải thực hiện", đại diện EC cho biết.
Bên cạnh đó, đại diện EC cho rằng các nước thuộc EU cần phải giảm sự phụ thuộc vào những nhà cung cấp viễn thông 5G có rủi ro cao. Điều này cần được thực hiện ở cấp độ Liên minh.
Anh là quốc gia đầu tiên đưa ra lệnh cấm sử dụng các thiết bị viễn thông 5G từ Huawei. Pháp cũng được cho là đang có động thái tương tự.
Các quan chức của EU nhấn mạnh, việc giảm dần các nhà cung cấp viễn thông có rủi ro cao, cộng thêm tăng cường chi phí xây dựng, sẽ không "làm hỏng" tiến độ xây dựng 5G trên toàn khối. Bên cạnh đó, người này cũng cho rằng Ericsson và Nokia có thể đáp ứng nhu cầu.
"Nếu nhìn vào tình hình chung, Nokia và Ericsson cũng đang có nhiều hợp đồng triển khai 5G trên toàn thế giới. Nếu kết hợp, cả hai chắc chắn có thị phần 50 - 60%, thậm chí 65%", một quan chức của EU nói. "Tôi cho rằng họ có thể cung cấp những gì cần thiết cho không chỉ châu Âu mà một phần của thế giới".
Ngoài ra, EC hiện kêu gọi 13 nước thuộc châu Âu áp dụng cơ chế sàng lọc "không chậm trễ" về đầu tư nước ngoài. Đây là công cụ cho phép chính phủ các nước EU có thể can thiệp lập tức vào các trường hợp đầu tư từ các công ty nước ngoài vào tài sản chiến lược, đặc biệt là các công ty do nhà nước kiểm soát hoặc tài trợ.
Bảo Lâm (theo Reuters)