"Do diễn biến nhanh của vấn đề Ukraine và những tuyên bố từ phía Mỹ, châu Âu cần phải làm nhiều hơn, tốt hơn và theo cách thống nhất cho an ninh chung của chúng ta", cố vấn Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ngày 16/2.
Cuộc họp khẩn tại Paris hôm nay sẽ có sự tham dự của các lãnh đạo Đức, Anh, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch. Ngoài ra, sự kiện còn có sự góp mặt của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO Mark Rutte.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 28/1. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước khiến Ukraine và các đồng minh châu Âu bất ngờ khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham khảo ý kiến và thông báo trước với họ. Sau cuộc điện đàm, ông Trump tuyên bố bắt đầu "ngay lập tức" quá trình đàm phán về chấm dứt xung đột Ukraine. Ông ngày 16/2 cho biết sẽ gặp lãnh đạo Nga "rất sớm", dù không nêu thời gian cụ thể.
Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về Ukraine, hôm 15/2 tuyên bố Mỹ sẽ đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán về hòa bình Ukraine, trong đó Moskva và Kiev là hai bên tham gia chính, không có sự góp mặt của châu Âu trong tiến trình này.
Ngoại trưởng Mỹ dự kiến dẫn đầu một phái đoàn, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Waltz, phái viên Mỹ ở Trung Đông Steve Witkoff, để gặp các quan chức Nga tại Arab Saudi vào đầu tuần này.
Các diễn biến đang khiến châu Âu lo ngại Mỹ có thể chấp nhận nhượng bộ Nga trong nhiều vấn đề. Tuần trước, ông Trump đề cập rằng muốn đưa Nga trở lại nhóm G7, sau khi Moskva bị đình chỉ từ năm 2014 vì sáp nhập bán đảo Crimea. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel nói "không thể tưởng tượng được" việc Nga được chào đón trở lại nhóm gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.
Thùy Lâm (Theo AFP)