Ưu tiên trước mắt của giới chức châu Âu sẽ tập trung vào việc giải quyết các bất ổn của hệ thống ngân hàng. Theo ông Barroso, các nhà băng hoạt động trong khu vực đồng tiền chung sẽ phải nhanh chóng rút khỏi các tài sản có rủi ro, đặc biệt là trái phiếu.
Chủ tịch EC - Jose Manuel Barroso công bố kế hoạch "giải cứu" châu Âu. Ảnh: AFP |
Ủy ban châu Âu sẽ trợ giúp quá trình này thông qua quỹ hỗ trợ của Cơ quan Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF). Đổi lại sự trợ giúp này, các ngân hàng sẽ không được phép chia cổ tức và các khoản thưởng cho lãnh đạo trong năm 2011. Đây được xem là giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Cùng với kế hoạch này, EC cũng công bố 4 giải pháp khác với hy vọng đưa châu Âu thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa khủng hoảng niềm tin với những bất ổn của nền kinh tế.
Hy Lạp sẽ là nút thắt tiếp theo được tháo bỏ khi Chủ tịch Barrosso cho biết EC sẽ nỗ lực hết sức để gỡ bỏ mọi nghi ngờ của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đối với sự tồn tại của nền kinh tế Nam Âu. Theo BBC, giải pháp này cũng bao gồm việc giải phóng tất cả các khoản hỗ trợ mà châu Âu cam kết cho Hy Lạp.
Với việc Slovakia, quốc gia thứ 17 và cũng là cuối cùng trong khối sử dụng đồng tiền chung chấp nhận mở rộng gói cứu trợ, EC đã nhận được sự hậu thuẫn từ các Chính phủ để nâng hầu bao cho các chương trình giải cứu của EFSF lên mức 440 tỷ euro (tương đương 607 tỷ USD). Số tiền này sẽ giúp EFSF can thiệp và trợ giúp tốt hơn các nền kinh tế trong khu vực.
2 giải pháp cuối cùng mang tính dài hạn hơn khi EC cho biết sẽ đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững của khu vực, bao gồm mở rộng các thỏa thuận tự do thương mại. Tổ chức này cũng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc hợp tác chính sách giữa các quốc gia trong khối.
Kế hoạch này nhận được sự chào đón khá nồng nhiệt của các nhà đầu tư toàn cầu khi các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á đều đồng loạt tăng điểm trong sáng nay. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,98% vào cuối buổi sáng (theo giờ Hà Nội). Các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Hong Kong… đều tăng trên 1%. Trước đó, chỉ số Dow Jones của chứng khoán Mỹ cũng khép phiên 12/10 với mức tăng trên 100 điểm.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng bản kế hoạch nói trên mới chỉ là những bước đi đầu tiên của các nhà lãnh đạo trong việc giải cứu kinh tế châu Âu và thế giới. Những tín hiệu cụ thể hơn sẽ được chờ đợi tại cuộc gặp của lãnh đạo các nền kinh tế EU, diễn ra vào ngày 23/10, cũng như Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cannes (Pháp) vào đầu tháng 11 tới.
Nhật Minh