Sau mùa đông năm nay, khu vực châu Âu sẽ phải nạp thêm khí đốt dự trữ mà gần như không có nguồn cung từ Nga. Khí đốt hóa lỏng (LNG) trên thị trường thế giới dự kiến tiếp tục khan hiếm tới năm 2026, thời điểm các nhà xuất khẩu như Mỹ và Qatar có thể bắt đầu tăng sản lượng khai thác.
Bloomberg hôm 18/2 dẫn dữ liệu thị trường cho biết người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu đã phải trả thêm 1.000 tỷ USD do giá năng lượng tăng vọt từ sau khi chiến sự bùng nổ tại Ukraine.
Theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, Bỉ, chính phủ các nước châu Âu đã chi hơn 700 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bù đắp thiệt hại khi giá năng lượng tăng, nhưng tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài trong nhiều năm.
"Nếu các nước tiếp tục thực hiện những gói cứu trợ tương tự, đó sẽ là khoản tiền lớn tới mức không tưởng. Các chính phủ từ đó sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc xử lý cuộc khủng hoảng vào năm tới", Martin Devenish, giám đốc công ty tư vấn S-RM, cho biết.
Năng lực tài chính của các nước châu Âu cũng đang đối mặt với nhiều áp lực, theo Bloomberg. Khoảng một nửa thành viên Liên minh châu Âu (EU) được cho là đang phải gánh khoản nợ vượt quá giới hạn 60% GDP mà khối đề ra.
Các Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 19/12 kết thúc các cuộc đàm phán về Cơ chế điều chỉnh thị trường, trong đó tập trung vào việc hạn chế tăng giá khí đốt quá mức ở các nước thành viên.
EU cũng đã phê duyệt hai đề xuất khẩn cấp nhằm chống tình trạng giá năng lượng tăng cao và đảm bảo nguồn cung năng lượng trong bối cảnh thiếu hụt, gồm mua chung khí đốt và đơn giản hóa các thủ tục cho phép đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.
EU gần đây thông qua hàng loạt giải pháp để hạn chế tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng, từ giảm tiêu thụ cho đến áp thuế đối với lợi nhuận tăng vọt của các nhà sản xuất năng lượng.
Kể từ khi xung đột bùng phát ở Ukraine, EU tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Moskva đã giảm hoặc dừng hẳn dòng khí đốt qua các đường ống sang châu Âu, chuyển hướng nguồn cung dầu sang các nước châu Á.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo nếu người tiêu dùng phương Tây muốn quay lưng với năng lượng Nga, Moskva sẽ xuất khẩu sang các nền kinh tế lớn ở phía đông như Ấn Độ, Trung Quốc.
Ngọc Ánh (Theo Bloomberg/Republic World)