Chiến sự Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ tư và phần lớn người dân các nước châu Âu đến nay vẫn ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, họ đang ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có thể chịu đựng những hệ lụy của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế trong bao lâu.
Kết quả một cuộc khảo sát do Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR) công bố mới đây cho thấy mối quan tâm của công chúng có thể chuyển từ xung đột sang lo ngại về tác động lớn hơn của nó, đặc biệt khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Giới phân tích nhận định các chính phủ châu Âu sẽ phải quan tâm đến những mối lo ngại này của người dân khi họ tìm cách duy trì sức ép đối với Moskva.
Hơn một phần ba người tham gia khảo sát muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt, ngay cả khi Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ, trong khi 22% nói rằng chiến sự cần kéo dài đến khi nào Nga thất bại và lãnh thổ Ukraine được khôi phục hoàn toàn.
Cuộc khảo sát được tổ chức thăm dò dư luận YouGov và công ty nghiên cứu Datapraxis tiến hành trên 8.172 người trưởng thành tại 10 nước châu Âu từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5.
Những người tham gia khảo sát chia làm hai nhóm rõ rệt, gồm nhóm ủng hộ "hòa bình", ngay cả khi phải đánh đổi bằng lãnh thổ Ukraine, và nhóm coi "công lý" là ưu tiên, bất chấp điều này có nghĩa xung đột có thể kéo dài. 1/5 số người tham gia "phân vân" giữa hai lựa chọn nhưng vẫn muốn châu Âu phản ứng quyết liệt. Số còn lại không đưa ra lựa chọn rõ ràng.
Theo Ivan Krastev và Mark Leonard, những người soạn báo cáo khảo sát cho ECFR, chia rẽ trong quan điểm của người dân sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chính sách của châu Âu đối với Ukraine.
"Kết quả khảo sát cho thấy dư luận châu Âu đang thay đổi và những ngày khó khăn nhất vẫn ở phía trước", Krastev và Leonard viết trong báo cáo. "Nếu người châu Âu cảm thấy các lệnh trừng phạt với Nga không mang lại kết quả, chia rẽ giữa nhóm muốn nhanh chóng kết thúc xung đột và nhóm muốn thấy Nga bị đánh bại sẽ ngày càng tăng".
Trừ Ba Lan, nước láng giềng của Ukraine, nhóm "hòa bình" ở các quốc gia châu Âu được khảo sát lớn hơn nhóm "công lý". Nhiều người trong nhóm "hòa bình" lo lắng rằng chính phủ của họ đang ưu tiên "hành động chống lại Nga hơn các vấn đề quan trọng khác, như lạm phát gia tăng hay cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt", ECFR cho biết.
Khi các nền kinh tế vẫn chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy lạm phát vốn đã ở cao tại châu Âu lên mức kỷ lục hồi tháng 5, với dự báo giá năng lượng sẽ có tốc độ tăng hàng năm nhanh nhất. Và đó là trước thời điểm Liên minh châu Âu (EU) thông qua quyết định loại bỏ phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Viễn cảnh về một cuộc xung đột kéo dài đã đặt ra câu hỏi về việc liệu tâm lý chán chường, mệt mỏi do chiến tranh, cùng với giá lương thực và chi phí năng lượng tăng vọt, có thể làm suy giảm dần ý chí chính trị của châu Âu trong nỗ lực duy trì áp lực lên Nga hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 12/6 đổ lỗi cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine khiến giá nhiên liệu tăng phi mã.
Khi các nước EU đàm phán về lệnh cấm dầu Nga hồi tháng trước, nghị sĩ Bỉ Sara Matthieu, thành viên Nghị viện châu Âu, đã ca ngợi cách phương Tây phản ứng trước hành động của Moska, song cũng cảnh báo về tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng.
Các biện pháp trừng phạt phương Tây giáng vào nền kinh tế Nga "cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân châu Âu, tác động trực tiếp đến nhà cửa, công việc và ví tiền của họ", Matthieu nói. Bà kêu gọi EU chung tay kiềm chế tình trạng vật giá leo thang và "bảo vệ người dân, đặc biệt là những người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói, những người không thể sưởi ấm nhà của họ vào mùa đông sắp tới".
Tác động của xung đột đối với các hộ gia đình châu Âu đã thúc đẩy chính phủ các nước tiến hành một loạt động thái chính sách. Đức đang giảm thuế năng lượng và phát hành vé tháng giá 9 euro (9,39 USD) để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Chính phủ các nước châu Âu đang nỗ lực cân bằng giữa duy trì sức ép với Nga và giải quyết mối lo ngại về cuộc sống của người dân, Tyler Kustra, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nottingham, Anh, nhận xét.
Ông cho rằng áp lực với chính phủ các nước châu Âu sẽ ngày càng lớn, trong bối cảnh người dân hoang mang hơn về chi phí sinh hoạt tăng vọt, khiến nhiều người bắt đầu băn khoăn về những thứ họ không thể mua, trong khi vẫn cần đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, sưởi ấm.
"Không có lựa chọn nào là vẹn cả đôi đường trong tình thế hiện nay", phó giáo sư Kustra nói. "Bất cứ lựa chọn nào cũng sẽ khiến châu Âu phải đánh đổi, và đó là lý do chúng ta cần cuộc xung đột này kết thúc".
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)