Thông báo về gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro (170 tỷ USD) được Thủ tướng Luxembourg, đồng thời là Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung - Jean-Claude Juncker đưa ra sau cuộc họp kéo dài 13 giờ tại Brussels (Bỉ). Đổi lại khoản tiền này, Hy Lạp phải cam kết giảm nợ công xuống dưới 120,5% GDP vào năm 2020 (hiện ở mức hơn 160% GDP), đồng thời cho phép các quan sát viên của EU tạm thời giám sát quá trình khôi phục kinh tế tại nước này.
Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker (phải) và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde vui mừng thông báo về quyết định cứu trợ Hy Lạp sau cuộc họp kéo dài 13 giờ tại Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP |
Theo ông Juncker, quyết định về gói cứu trợ là một bước tiến rất xa của EU và sẽ giúp Hy Lạp có thể thanh toán một phần đáng kể nợ quốc gia. “Nó cho thấy các nước EU đã nhận rõ được mức độ nghiêm trọng của tình hình và có những bước đi thích hợp”, Thủ tướng Luxembourg nhận định. Tuy vậy ông này cũng cho rằng kết quả của giải pháp tài chính nêu trên chỉ có thể được cụ thể hóa bằng thành quả khôi phục kinh tế của Hy Lạp, bao gồm nỗ lực của Chính phủ cũng như người dân.
Đây thực sự là vấn đề làm đau đầu giới chức Hy Lạp bởi chấp nhận gói cứu trợ cũng đồng nghĩa với việc người dân nước này sẽ phải sẵn sàng cho những chương trình thắt chặt chi tiêu công hà khắc, bao gồm cắt giảm lương, việc làm cũng như phúc lợi xã hội. Việc Chính phủ nước này thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng đã gây ra hàng loạt cuộc biểu tình, thậm chí bạo loạn tại Athens cách đây ít ngày.
Tuy vậy, phát biểu với BBC sau khi thỏa thuận được công bố, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cho biết ông rất “hạnh phúc” với kết quả đạt được đồng thời cho biết sẽ có biện pháp giải quyết các vấn đề trong nước. Trong khi đó, Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde cho rằng biện pháp giải cứu lần này sẽ mang lại cho Hy Lạp nguồn lực cần thiết để khôi phục sức cạnh tranh.
Hy Lạp từng nhận được gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro vào đầu tháng 5/2010. Tuy vậy, khoản tiền này không đủ giúp quốc gia nam Âu thoát khỏi khủng hoảng. Một vài cam kết cứu trợ khác đã được châu Âu và định chế tài chính khác đưa ra sau đó nhưng gần như không thể trở thành hiện thực khi Hy Lạp không đáp ứng được các điều kiện cũng như lộ trình giảm nợ. Mối lo ngại về việc tan rã khối đồng tiền chung châu Âu cũng vì thế mà bùng lên, đe dọa kinh tế thế giới suốt thời gian qua.
Nhật Minh