Ngành hàng không hiện chiếm khoảng 2,5% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng tổng mức đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu ước tính cao hơn với các loại khí khác, hơi nước và vệt trắng mà máy bay thải ra.
Với phong trào "Xấu hổ khi đi máy bay" (Flight Shame), nhiều hành khách châu Âu bắt đầu tìm đến mạng lưới đường sắt thay cho các chặng bay ngắn. Phong trào này khuyến khích hành khách tìm kiếm những giải pháp di chuyển thân thiện hơn với môi trường, thay vì sử dụng máy bay tốn kém nhiên liệu và tạo ra lượng lớn khí thải.
Dù đạt được những bước tiến nhất định, công cuộc chuyển đổi từ hàng không sang đường sắt có vẻ rất gian nan và các sân bay vẫn chưa thể bớt nhộn nhịp trong tương lai gần.
Tháng 12/2022, Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận lệnh cấm của Pháp với các chuyến bay giữa sân bay Paris Orly và các thành phố Nantes, Lyon và Bordeaux. Nếu sau 3 năm, biện pháp này được đánh giá là thành công, thì sẽ có thêm các chặng bay bị cấm.
Để lệnh cấm được áp dụng, EU yêu cầu chặng bay phải có tuyến đường sắt cao tốc thay thế sao cho hành khách có thể di chuyển giữa hai thành phố trong chưa đầy 2,5 tiếng. Bên cạnh đó, phải có đủ các chuyến tàu chạy sớm và chạy muộn để hành khách có thể dành ít nhất 8 tiếng ở điểm đến.
Do đó, chỉ có 3 chặng bay kết nối sân bay Paris Orly với các thành phố Nantes, Lyon và Bordeaux bị loại bỏ. Thực tế, quy định của EC đã thu hẹp kế hoạch ban đầu của Pháp. Theo kế hoạch ban đầu, sẽ có thêm 5 chặng bay bị loại bỏ: Từ Sân bay Charles de Gaulle (Paris) đến Bordeaux, Nantes, Lyon, Rennes, và từ Lyon đến Marseilles.
"Lệnh cấm các chuyến bay của Pháp là hành động mang tính tượng trưng, sẽ tác động rất ít đến việc giảm khí thải", Jo Dardenne, giám đốc hàng không của nhóm dự án Transport & Environment (T&E).
T&E ước tính, 3 tuyến đường chịu lệnh cấm chỉ chiếm 0,3% lượng khí thải mà các chuyến bay cất cánh từ Pháp tạo ra và 3% lượng khí thải từ các chuyến bay nội địa của nước này. Nếu thêm 5 tuyến đường mà Pháp dự định đưa vào, số liệu lần lượt là 0,5% và 5%.
Pháp không phải quốc gia châu Âu đầu tiên thể hiện quan điểm cứng rắn với các chuyến bay ngắn. Năm 2020, Áo cứu trợ hãng hàng không quốc gia Austrian Airlines với điều kiện hãng này phải loại bỏ tất cả những chuyến bay mà hành trình đường sắt mất ít hơn 3 tiếng.
Thực tế, chỉ có tuyến bay Vienna - Salzburg bị cắt bỏ và các dịch vụ tàu hỏa ở chặng này được tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Một tuyến ngắn tương tự, Vienna - Linz, đã chuyển sang đường sắt từ năm 2017. Cùng năm đó, Áo cũng đưa ra mức thuế 32 USD với tất cả các chuyến bay dưới 350 km khởi hành từ các sân bay của nước này.
Một số nước châu Âu khác cũng đang cân nhắc việc hạn chế các chuyến bay thương mại ngắn. Tây Ban Nha lên kế hoạch cắt giảm các chuyến bay mà hành trình tàu hỏa mất ít hơn 2,5 tiếng vào năm 2050. 62% người châu Âu tham gia một cuộc khảo sát năm 2020 cũng ủng hộ lệnh cấm các chuyến bay chặng ngắn.
Theo báo cáo năm 2022 của Hiệp hội các hãng hàng không khu vực châu Âu (ERA) và một số cơ quan hàng không vũ trụ khác, nếu tất cả các chuyến bay dưới 500 km chuyển sang một hình thức vận tải công cộng khác, tổng mức giảm carbon có thể chiếm đến 5% lượng khí thải trong Liên minh châu Âu (EU).
Giá cao và tần suất thấp của các chuyến tàu vẫn là một trở ngại trong việc thu hút nhiều người từ bỏ đi máy bay - đặc biệt là trên các tuyến đường quan trọng như từ Paris đến Amsterdam, Frankfurt và Barcelona, theo Jon Worth, người sáng lập nhóm Trains for Europe.
Worth cho biết, việc tăng cường kết nối giữa các sân bay và những tuyến đường sắt xuyên thành phố sẽ giúp giảm nhu cầu về các chuyến bay ngắn. Bên cạnh đó, cung cấp vé tích hợp cũng là điều cần thiết, ví dụ trong trường hợp một chuyến tàu bị hoãn, hành khách sẽ được chuyển sang chuyến tiếp theo.
Tuy nhiên, các chuyến bay đường dài vẫn là thủ phạm tạo ra lượng lớn khí thải. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Transport Geography cuối năm ngoái cho thấy, các chuyến bay dưới 500 km chiếm 27,9% số chuyến khởi hành từ EU, nhưng chỉ chiếm 5,9% lượng nhiên liệu bị đốt cháy. Trong khi đó, các chuyến bay dài hơn 4.000 km chỉ chiếm 6,2% số chuyến khởi hành từ EU, nhưng đốt cháy tới 47% nhiên liệu.
Thu Thảo (Theo CNN)