Khi xung đột với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ 4, Ukraine vẫn phải dựa vào các đồng minh phương Tây để có được vũ khí tiên tiến đối phó Nga. Tuy nhiên, các nước châu Âu đang phải tìm cách tiếp cận mới, khi họ đã vét sạch kho dự trữ để chuyển cho Ukraine, trong khi tốc độ sản xuất mới không thể bắt kịp mức tiêu thụ của Kiev trên chiến trường.
Cách tiếp cận này được gọi là "Mô hình Đan Mạch" do Copenhagen phát triển hồi đầu năm nay, được kỳ vọng sẽ giúp Ukraine nhận vũ khí nhanh hơn và nhiều hơn so với chờ đợi châu Âu tự sản xuất.
Theo cách làm mới, châu Âu sẽ tài trợ tiền cho chính phủ Ukraine để ký hợp đồng với nhà sản xuất vũ khí của nước này. Khi được rót tiền, các công ty Ukraine có thể sản xuất tên lửa tầm xa và máy bay không người lái để chống lại Nga. Kiev sẽ giới thiệu danh sách các công ty tiềm năng, sau đó giới chức châu Âu sẽ thẩm định trước khi ký hợp đồng sản xuất.
Giới quan sát đánh giá chính sách này là khả thi, khi ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang hoạt động chưa tới 30% công suất tiềm năng do thiếu kinh phí.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết Na Uy, Thụy Điển và Litva đã đóng góp tiền cho mô hình, trong khi nhiều nước khác bày tỏ quan tâm. Đức áp dụng cách tiếp cận tương tự và Hà Lan đã ký hợp đồng sản xuất vũ khí trực tiếp với các công ty Ukraine.
Đan Mạch phát triển mô hình này sau khi họ gần như đã viện trợ cho Ukraine mọi vũ khí sẵn có trong kho dự trữ. Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy và các quốc gia vùng Baltic cũng trong tình cảnh tương tự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi mô hình mới khi phát biểu cùng Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen trong dịp kỷ niệm 1.000 ngày xung đột với Nga. Ông nói cách làm này cho phép Ukraine có thể chủ động sản xuất pháo, tên lửa, máy bay không người lái tầm xa và lựu pháo.
"Mô hình cho phép chúng tôi hợp tác với các nước về những khoản đầu tư vào sản xuất vũ khí ở Ukraine", ông nói.
Nguồn tài trợ hiện tại còn hạn chế. Đan Mạch đã huy động được khoảng 680 triệu USD, gồm hơn 400 triệu USD tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu. Copenhagen đặt mục tiêu chuyển các khoản tiền đó cho Ukraine vào cuối năm nay.
Đan Mạch cũng đã đóng góp hơn 180 triệu USD từ quỹ riêng cho sáng kiến này. Na Uy góp hơn 42 triệu USD và Thụy Điển, quốc gia công bố tài trợ máy bay không người lái và tên lửa tầm xa tuần trước, đầu tư hơn 20 triệu USD.
Bộ trưởng Poulsen hy vọng họ có thể huy động ít nhất 1,4 tỷ USD thông qua mô hình này vào năm tới. "Đây là ví dụ về cách đảm bảo viện trợ nhanh hơn cho Ukraine, đồng thời giúp họ tự tăng cường sản xuất và cuối cùng không còn phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ bên ngoài", Poulsen nói.
Tổng thống Zelensky tháng trước nói khoản đầu tư này đã cho phép Ukraine sản xuất gần 20 lựu pháo Bohdana. Tháng 12 năm ngoái, Ukraine chỉ sản xuất được 6 tổ hợp.
"Năm ngoái, chúng tôi đối mặt thực tế là ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine có năng lực sản xuất nhưng không có kinh phí", Vladislav Belbas, giám đốc Ukrainian Armor, nhà sản xuất vũ khí phụ trách chế tạo các thành phần cho lựu pháo Bohdana, nói.
Cách làm của Đan Mạch nhận được ủng hộ vì quy trình thẩm tra năng lực đối tác sản xuất vũ khí giúp hạn chế nguy cơ tham nhũng, vấn đề gây nhiều ảnh hưởng tới Ukraine. Copenhagen đã thẩm định kỹ trước khi giải ngân tiền, trong khi tùy viên quốc phòng của đại sứ quán Đan Mạch sẽ theo dõi quá trình thực hiện hợp đồng để đảm bảo các công ty giao vũ khí đúng thỏa thuận. Cho đến nay, chưa có công ty sản xuất vũ khí nào của Ukraine không vượt qua thẩm định.
Cách tiếp cận này cũng có thể giảm bớt áp lực buộc đồng minh phải rút vũ khí từ kho dự trữ chiến lược của họ để viện trợ cho Ukraine, theo giới quan sát.
"Nếu giúp tăng năng lực tự sản xuất của Ukraine, chúng tôi sẽ không cần phải cung cấp nhiều vũ khí cho họ và tập trung cải thiện năng lực trong nước", Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch ủy ban lãnh đạo quân sự của NATO, nói.
"Với mô hình của Đan Mạch, chúng tôi có thể đảm bảo các khoản tiền viện trợ được sử dụng để sản xuất vũ khí mà Ukraine cần nhất. Mong muốn và nhu cầu của Ukraine trên chiến trường có thể dễ dàng được đáp ứng hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nói.
Eric Ciaramella, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình Nga và Á-Âu thuộc Quỹ Carnegie, cho rằng Ukraine có thể cải thiện năng lực để đáp ứng nhu cầu của họ, đặc biệt về máy bay không người lái.
"Ukraine từng là trung tâm công nghiệp quốc phòng của Liên Xô, vì vậy họ có nhiều kinh nghiệm về sản xuất các hệ thống vũ khí phức tạp", Ciaramella nói.
Chuyên gia này khẳng định hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine chính là giúp họ đảm bảo khả năng tự cung tự cấp về lâu dài.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết ông đang tham gia sáng kiến của Đan Mạch với khoản đóng góp ban đầu hơn 10 triệu USD và đặt mục tiêu tăng đầu tư trong thời gian tới. "Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để chuyển tiền cho Ukraine", ông nói.
Ông cho biết một hệ thống tên lửa chống tăng Stugna do Ukraine sản xuất có giá chỉ bằng một phần mười giá tên lửa Javelin của Mỹ và nguồn cung sẽ dồi dào hơn. Bộ trưởng Kasciunas thêm rằng Litva cũng đang cân nhắc mua máy bay không người lái do Ukraine sản xuất để trang bị cho lực lượng vũ trang trong nước.
Sau khi thăm các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine, ông Kasciunas bày tỏ ấn tượng với khả năng hoạt động của họ bất chấp những đợt tấn công của Nga. "Họ đã tìm ra cách", ông nói.
Thùy Lâm (Theo WSJ, Reuters, AFP)