Ngày 12/6, Ủy ban châu Âu (EC) nói sẽ áp thuế với mức cao nhất 38,1% lên xe điện Trung Quốc nhập khẩu từ tháng 7. Theo đó, mức cao nhất được áp dụng cho SAIC, trong khi xe điện của BYD chịu 17,4%, và Geely là 20%. Mức thuế tiêu chuẩn là 10%.
Việc này đồng nghĩa thêm hàng tỷ USD chi phí phụ trội đối với các hãng xe vào thời điểm họ đang phải gồng mình ứng phó khi nhu cầu giảm, giá xe cũng giảm tại thị trường quê nhà.
Trong khi đó, các hãng xe châu Âu đang đứng trước thách thức bởi sự đổ bộ của xe điện giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc. EC ước tính thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường châu Âu đã tăng lên thành 8% từ mức dưới 1% trong 2019 và có thể đạt 15% trong 2025. Mức giá của xe điện Trung Quốc về cơ bản thấp hơn 20% so với xe sản xuất ở châu Âu.
Andrew Kenningham của Capital Economics nói quyết định của EU đánh dấu một thay đổi lớn trong chính sách thương mại vì, dù vẫn sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại trước Trung Quốc, thì EU chưa từng làm thế với một ngành công nghiệp quan trọng như vậy.
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang nỗ lực tránh lặp lại điều đã xảy ra với các tấm pin năng lượng mặt trời cách đây một thập kỷ khi EU chi hành động hạn chế để ngăn hàng Trung Quốc nhập khẩu và nhiều hãng sản xuất châu Âu đã sụp đổ. Tháng 10/2023, EU đã cho điều tra chống trợ cấp xe điện Trung Quốc.
Cổ phần của một số hãng xe lớn nhất châu Âu - với tỷ lệ doanh số đáng kể tại Trung Quốc - giảm trước lo ngại về sự trừng phạt của Trung Quốc. Một số hãng, như BMW, giờ đây sẽ phải chịu thuế xe điện sản xuất ở Trung Quốc và bán ở châu Âu.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cuộc điều tra của EU là một "trường hợp điển hình của bảo hộ mậu dịch" và thuế có thể ảnh hưởng xấu đến hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU cũng như sự ổn định trong ngành sản xuất ôtô và các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bắc Kinh có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để "bảo vệ chắc chắn" các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Nhưng Hiệp hội ôtô chở khách Trung Quốc (CPCA) dường như không mấy lo lắng. "Thuế của EU về cơ bản nằm trong dự kiến của chúng tôi, với mức trung bình khoảng 20%, sẽ không tác động lớn đến phần lớn các hãng Trung Quốc", theo Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA.
"Số xe điện sản xuất ở Trung Quốc được xuất khẩu gồm Tesla, Geely, BYD vẫn có tiềm năng lớn để phát triển ở châu Âu trong tương lai", Cui nói.
Các hãng xe điện và nhà cung ứng Trung Quốc cũng đã bắt đầu đầu tư sản xuất ở châu Âu, có thể tránh được thuế.
Bắc Kinh đã thông qua luật vào tháng 4 nhằm củng cố khả năng đáp trả khi Mỹ hoặc EU áp thuế lên xe điện xuất khẩu từ nền kinh tế thứ hai thế giới.
Thuế của EU - hiện là tạm thời - đánh vào xe điện Trung Quốc sẽ áp dụng từ 4/7, với quá trình điều tra sẽ tiếp tục đến 2/11, khi mức thuế cuối cùng, về cơ bản cho 5 năm, có thể được thực hiện.
Các mức thuế khác nhau với các hãng xe Trung Quốc phụ thuộc vào việc hợp tác trong quá trình điều tra.
Các hãng xe phương Tây, như Tesla, và BMW, đang xuất khẩu ôtô từ Trung Quốc sang châu Âu, cân nhắc hợp tác, theo EU, thêm rằng Tesla, hiện là nhà xuất khẩu ôtô lớn nhất từ Trung Quốc sang châu Âu, đã yêu cầu có cách đánh giá riêng.
Brussels cũng nói đã liên hệ với giới chức Trung Quốc để thảo luận về những phát hiện qua điều tra, và tìm phương hướng giải quyết các vấn đề đã được xác định.
Đối mặt với mức thuế tăng từ châu Âu, các hãng xe Trung Quốc vẫn giữ kế hoạch đầu tư vào thị trường này. "Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển một cách kiên định ở châu Âu và hợp nhất vào thị trường địa phương", Cui nói hôm 11/6.
Mỹ Anh (theo Reuters)