Trên tòan châu Á, các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu đang gặp khó khăn vì lạm phát tăng cao, tăng trưởng chậm, giá dầu cao ngất ngưởng trong khi giá đôla Mỹ xuống dốc.
"Chúng ta đang thấy sức ép lạm phát tăng lên khắp khu vực, và đó là thách thức lớn nhất đối với các nền kinh tế bởi chúng cũng đứng trước nguy cơ suy thoái khi kinh tế Mỹ chậm lại", nhà kinh tế học Yiping Huang, làm việc cho City Group ở Hong Kong, nhận định.
Người Philippines xếp hàng mua gạo giá rẻ của cơ quan quản lý gạo quốc gia. Chính phủ nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới này đang phải trấn an dân chúng trước tình hình giá lương thực tăng cao. Ảnh: AP. |
Trung Quốc, Nhật Bản - với lượng hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ - đang chịu sự thâm hụt lợi nhuận do đồng đôla yếu đi. Tập đoàn Toyota Motor cho hay lợi nhuận năm của họ sẽ mất đi 350 triệu USD nếu trị giá mỗi đồng đôla Mỹ giảm đi 1 yên.
"Đồng yên mạnh thì lợi nhuận từ xuất khẩu giảm, giá cổ phiếu của các công ty cũng giảm", Tatsushi Shikano, nhà kinh tế cấp cao của Nhật nói.
Giá cổ phiếu Nhật mới đây xuống đến mức thấp kỷ lục trong hơn hai năm, bởi các nhà đầu tư châu Á lo sợ rằng thị trường khổng lồ là Mỹ đang trượt dốc.
Tại Trung Quốc, các nhà xuất khẩu đau đầu vì chi phí đầu vào cao, bên cạnh việc đồng nhân dân tệ tăng giá 16,5% kể từ giữa năm 2005. Các nhà máy vốn phụ thuộc vào doanh thu từ hàng hóa giá thấp như đồ gia dụng, đồ chơi, giày và hàng tiêu dùng bình dân... đã phải sa thải hàng nghìn nhân công.
Chính phủ Trung Quốc đã phải hạ lệnh đóng băng giá bán lẻ xăng và dầu diesel để bảo vệ người tiêu dùng trước cơn bão giá dầu - thứ nhiên liệu đạt mức kỷ lục mọi thời đại 111 USD mỗi thùng vào tuần trước. Nhưng các nhà máy vẫn bấn loạn vì giá thép, than và các nguyên liệu khác tăng chóng mặt. Vì thế những nỗ lực giảm lạm phát của nước này đang gặp khó khăn - mức lạm phát tháng hai tăng đến 8,7%, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Riêng giá thực phẩm thăng 23%, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đa số người dân Trung Quốc.
Bắc Kinh đã áp đặt kiểm soát giá nhiên liệu và thực phẩm, cố gắng tăng năng lực sản xuất. Nhưng giá bán sỉ nhiều mặt hàng vẫn đi lên, tức là người tiêu dùng có thể lại chuẩn bị phải đối mặt với một cơn bão giá mới.
Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka cũng đứng trước tỷ lệ lạm phát và giá nhiên liệu cao. "Họ đang ở mức lạm phát kha khá rồi đấy", chuyên gia kinh tế Peter Morgan của HSBC Hong Kong nói.
Cảnh xếp hàng chờ đến lượt mua gạo ở một cửa hàng có giá cố định tại Bangladesh. UNDP kêu gọi hỗ trợ cho các nước đang phát triển chống chọi với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Ảnh: Reuters. |
Ở một mặt khác, những nông dân nghèo ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang bán được nông sản với giá cao hơn, và điều này sẽ giúp phân chia lại của cải trong xã hội, các chuyên gia đánh giá.
Để đối phó với giá dầu cao, nhiều hãng hàng không Nhật đã quyết định tăng phụ phí nhiên liệu lên 42 USD mỗi vé hành khách kể từ tháng 4. Công ty dầu lửa độc quyền quốc gia PTT PCL của Thái Lan xin chính phủ giảm mức dự trữ bắt buộc từ 30 ngày xuống 18 ngày, để họ có thể lấy xăng dầu mua từ trước với giá thấp hơn ra bán, tránh việc nhập khẩu dầu ở mức cao hiện nay.
Còn quốc gia nghèo tài nguyên Hàn Quốc đang bị sốc vì sức ép của giá nhiên liệu kết hợp tỷ giá. Đồng won nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng 26 tháng qua so với đôla Mỹ, trong khi để mua dầu thô, họ phải trả bằng tờ bạc xanh.
"Trong tình cảnh này", ông Kang Dae-chang, nhà kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Hyundai, nói, "kinh tế Hàn phải chịu hai cú đấm nặng nề: nguy cơ kimh tế giảm tốc và lạm phát".
T. Huyền (theo AP)