Bắt nguồn từ các định chế tài chính châu Âu từ thế kỷ XV, dịch vụ Private Banking ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu tài chính khác biệt của phân khúc khách hàng siêu giàu. Theo thời gian, số người siêu giàu ngày càng tăng, dịch vụ chăm sóc tài sản của tầng lớp thượng lưu mở ra nhiều cơ hội hơn đối với các ngân hàng lớn.
Việt Nam nằm trong top 10 tăng trưởng số người siêu giàu
Hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới đều lựa chọn xây dựng dịch vụ Private Banking với thương hiệu riêng dành cho khách hàng siêu giàu như: BNP Paribas Wealth Management; Bank of America – Private Bank; HSBC Private; Chase Private Client; Citi Private Bank; UBS Wealth Management; DBS Treasures Private Client; Union Private Bank...
Đến nay, Bắc Mỹ là nơi tập trung nhiều người siêu giàu nhất thế giới. Trong khi đó, số lượng người siêu giàu ở châu Á đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là ở Trung Quốc với dân số giàu có tăng trưởng đều đặn trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường ở các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia và Việt Nam cũng đã thu hút các ngân hàng với số lượng người siêu giàu ngày càng tăng.
Với thị trường Việt Nam, Knight Frank dự báo, đến năm 2026, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan về số người siêu giàu để đứng thứ 3 trong nhóm ASEAN-6, với khoảng 1.551 người siêu giàu. Trước đó, Wealth-X từng ghi nhận, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2012-2017. Những chỉ báo này cho thấy tiềm năng thị trường dịch vụ Ngân hàng cao cấp dành cho giới thượng lưu tại Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, dịch vụ Private Banking ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Đây chính là cơ hội cho các ngân hàng trong nước tận dụng để chiếm lĩnh thị trường và tạo đà mở rộng ra quốc tế.
Lợi thế cạnh tranh thuộc về ngân hàng lớn
Phục vụ giới siêu giàu luôn đi kèm những thách thức, đặc biệt ở những thị trường trẻ như Việt Nam. Các ngân hàng muốn phát triển dịch vụ Private Banking cần có đủ năng lực kết nối Đối tác toàn cầu, có tiềm lực tài chính đủ mạnh, uy tín trên thị trường để cung cấp dịch vụ quản lý tài sản chuyên biệt, đáp ứng các nhu cầu tài chính và phi tài chính của giới siêu giàu.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nhân tài đang là vấn đề lớn của các ngân hàng. Điều cần thiết đối với Private Banking là phải có lực lượng chuyên gia chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là trong lĩnh vực quản lý, uỷ thác tài sản hoặc tư vấn thuế để có thể mang tới giải pháp tối ưu cho vấn đề quản lý gia sản của khách hàng. Đây chính là lợi thế cạnh tranh lớn nếu ngân hàng nào có được.
Trên thực tế, ngay cả những ngân hàng lớn cũng gặp khó khăn trong việc tuyển được đội ngũ chuyên gia để bắt kịp yêu cầu ngày càng tăng của giới nhà giàu. Theo Giám đốc điều hành quản lý tài sản BNP Paribas, trong hai năm qua, ngân hàng này có 75 nhân sự phụ trách quản lý tài sản cho các cá nhân và gia đình siêu giàu. Còn đại diện Credit Suise cho biết, ngân hàng đã xây dựng một đội ngũ 40 cố vấn chuyên nghiệp để cung cấp các giải pháp đầu tư, quản lý tài sản cho khách hàng siêu giàu. Con số trên không phải là lớn đối với ngân hàng tầm cỡ toàn cầu, điều này cho thấy sự khan hiếm nhân tài, có chuyên môn cao trong lĩnh vực chăm sóc tài sản giới siêu giàu, cũng có nghĩa đây là thách thức rất lớn cho các ngân hàng trong nước muốn phát triển dịch vụ Private Banking.
Một chủ đề khác mà các ngân hàng triển khai dịch vụ Private Banking cũng cần phải đáp ứng là nhu cầu lập kế hoạch kế thừa và chuyển giao gia sản giữa các thế hệ của giới siêu giàu. Thế hệ trẻ thừa kế gia sản sẽ có tư duy và những quyết định mới theo đuổi các lựa chọn phi truyền thống trước đây. Do đó, Private Banking cần sự sáng tạo để thích ứng với thế hệ người siêu giàu trẻ tuổi, như các giải pháp đầu tư mới dựa trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số cùng trải nghiệm sống toàn cầu liên quan đến tài chính cá nhân và cả dịch vụ phi tài chính.
Theo đại diện BIDV, để làm được Private Banking, ngân hàng phải có đủ năng lực, tiềm lực tài chính để xây dựng được một hệ sinh thái kết nối các đối tác danh tiếng toàn cầu để phục vụ nhu cầu quản lý tài sản cho khách hàng không chỉ ở Việt Nam mà cả quốc tế.
"Muốn phát triển thị trường Private Banking trong nước, mở rộng thị trường quốc tế, các ngân hàng trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chắt lọc dịch vụ tốt nhất, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao để phục vụ khách hàng giàu có", đại diện BIDV nhận định.
Là ngân hàng đầu tiên trong Big 4 triển khai dịch vụ Private Banking, cũng là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam, BIDV thấu hiểu hơn ai hết những thách thức khi là người mở đường và thiết lập những chuẩn mực mới cho dịch vụ này tại Việt Nam. Trong hơn một năm triển khai chính thức dịch vụ, BIDV đã hoàn thiện danh mục sản phẩm dịch vụ, mở rộng và đa dạng hóa hệ sinh thái thông qua việc hợp tác với các đối tác danh tiếng trên toàn cầu; đồng thời kiện toàn mô hình, nhân sự, không gian giao dịch...chuẩn quốc tế theo tư vấn của đối tác tư vấn quốc tế hàng đầu .
Với các giá trị cốt lõi: Tư vấn tin cậy, Kết nối cơ hội toàn cầu, Phục vụ chuyên biệt và Đặc quyền không giới hạn, BIDV đang thiết lập một chuẩn mực mới về dịch vụ Private Banking chuẩn quốc tế tại thị trường Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành thương hiệu ngân hàng cao cấp số một tại thị trường Việt Nam và vươn ra thị trường châu Á.
Tuấn Thủy