Trên khán đài, giữa hàng nghìn cổ động viên áo đỏ sao vàng, đang hò hét mong có bàn thắng thứ 3, tôi nhìn thấy một cô bé Yemen. Em có gương mặt tuyệt đẹp của thiếu nữ Trung Đông, quàng chiếc khăn màu nâu bình dị che mái tóc. Người đàn ông ngồi bên cạnh chắc là bố của em, ăn vận tuềnh toàng. Tôi đoán họ nằm trong số 100.000 lao động Yemen đang sinh sống tại Dubai.
Trong những phút cuối, không tiếp tục theo dõi trận đấu nữa, cô bé cúi đầu mân mê mãi chiếc cuống vé trong lòng bàn tay. Nó có giá 60 AED (tiền UAE), tức là khoảng hơn 16 USD. Khoản tiền đó, nhất là khi phải trả bằng ngoại tệ, không nhỏ, và người Yemen không giàu. Đất nước ấy sa vào nội chiến suốt từ 2015 đến nay.
Tôi - một cổ động viên Việt Nam, vượt hàng vạn kilomet để cổ vũ đội tuyển của mình - trong khoảnh khắc nhìn cô bé Yemen ấy lọt thỏm giữa rừng áo đỏ của đồng đội, bỗng nảy sinh lòng thiên vị. Ba năm nội chiến, hàng vạn trẻ em Yemen chết vì bom đạn, bệnh tật, đói khát. Và hàng triệu người mất nhà cửa. Tôi không biết gì về thân phận ấy, cũng không cho phép mình được hỏi. Tôi chỉ có thể cho phép mình xúc động. Vì nỗi buồn của cô, và niềm vui của tôi sau trận đấu này, đều đẹp như nhau.
Yemen, hay bất cứ đất nước nào có đội tuyển tham dự Asian Cup, đều mong đội nhà chiến thắng. Dù đó là chủ nhà UAE, Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan hay Triều Tiên. Khác với những nước phát triển và ổn định, khi bóng đá thuần túy là giải trí, nhiều quốc gia Châu Á đặt vào quả bóng tròn đủ cả niềm vui nỗi buồn, niềm hy vọng, sự tự hào, thậm chí là mong ước hòa bình.
Tham dự Asian Cup, đội tuyển được cọ xát với những đội bóng đẳng cấp, nhờ đó mà tiến bộ vượt bậc. Nhưng người hâm mộ Việt Nam cũng được nhiều hơn là những niềm vui trong 90 phút. Nhờ bóng đá, nhiều người Việt Nam lần đầu tiên quan tâm đến những cái tên lạ hoắc như Oman, Yemen, Kyrgyzstan. Sau trận vòng 1/8, người Việt Nam còn chia sẻ cảm xúc cả với những người Jordan. Biết được UAE gồm 7 vương quốc cấu thành, và Dubai là một vương quốc trong số đó chứ không phải chỉ là một thành phố.
Nhờ Asian Cup, chúng ta xem những kênh thể thao hàng đầu khu vực như Fox nói gì về mình, chứ không chỉ tự khen bằng những tờ báo thể thao quốc nội. Ở chiều ngược lại, cả khu vực biết đến Việt Nam - thậm chí với người dân của một số quốc gia, đây còn là lần đầu.
Nhờ Asian Cup, cả khu vực trò chuyện với nhau, những cuộc trò chuyện phi chính trị, nhưng lại có giá trị có khi còn cao hơn những cuộc hội đàm của những nguyên thủ. Người Hàn Quốc cổ vũ Việt Nam. Nhật Bản ngạc nhiên biết rằng hóa ra ở Đông Nam Á, có cổ động viên Thái Lan rất hâm mộ "những samurai xanh". Khắp các diễn đàn mạng Trung Quốc khen ngợi sự tiến bộ của các nước láng giềng.
Và tất nhiên, nhiều người dân khắp châu Á găm cái tên Yemen vào đầu: phía sau đội tuyển ấy là bom đạn, đói khát, dịch bệnh. Đội bóng gồm những lao động phổ thông phải chạy ăn từng bữa, không có một sân tập và buổi tập đàng hoàng, thôi thúc hàng triệu người nghĩ nhiều hơn về hòa bình.
Đội tuyển của chúng ta đã thua, trong một trận cầu không có gì để hối tiếc. Nhật Bản đi tiếp một cách xứng đáng, vì họ quá vượt trội. Nếu chỉ nói về thể thao và những bàn thắng, chúng ta chỉ nói được một thời gian ngắn. Nhưng khi nghĩ về tình cảm giữa các quốc gia, về việc hàng tỷ lượt người đã nhìn lên màn hình, để thấy nụ cười và giọt nước mắt của những con người khác, chủng tộc khác, quốc gia khác trên khán đài, thì Asian Cup để lại một ý nghĩa dài lâu.
Sau mỗi trận đấu ở Asian Cup lần này, ban tổ chức đều thực hiện một nghi thức đẹp. Họ xếp thành một hàng dài từ cửa sân ra đến cổng, vỗ tay và đập tay thân thiện với bất cứ cổ động viên đội nào đi qua. Đó là một hình ảnh rất đẹp, rất fair play, là thông điệp về một Châu Á đoàn kết.
Trong một giai đoạn biến động gay gắt của khu vực và thế giới, thì Asian Cup 2019 đã làm được đúng câu khẩu hiệu của nó: "Bringing Asia Together" – Mang châu Á lại gần nhau hơn.
Gia Hiền