Theo truyền thông Nga, tàu ngầm Kilo 636 "Hà Nội" do Việt Nam đặt hàng đã hoàn tất các bài thử nghiệm lặn và các hành trình trên biển. Tàu ngầm này hiện vẫn ở một cảng gần Kalinigrad. Việt Nam đã ký hợp đồng mua các tàu ngầm chạy dầu diezel-điện thuộc dự án 636 của Nga. Ảnh: shipspotting.com |
"Nguy cơ xung đột tại khu vực này (châu Á - Thái Bình dương) cao vì những tranh chấp chủ quyền chưa giải quyết được về các đảo, cũng như bãi cạn hứa hẹn là nơi có thể khai thác khí đốt ở quy mô công nghiệp", ông Igor Korotcheko, tổng biên tập của tạp chí National Defense, lý giải nguyên nhân các vũ khí của Nga lại được ưa chuộng nhất tại châu Á.
"Điều này (nguy cơ xung đột) khiến nhiều quốc gia trong khu vực tăng ngân sách quân sự. Những yếu tố ấy khiến nhu cầu về vũ khí Nga tăng cao. Trong những năm gần đây, nhiều hợp đồng bán các gói tổng thể đã được ký", The Voice of Russia dẫn lời ông Korotcheko nói thêm.
Theo tổng biên tập của National Defense, nhu cầu về chiến đấu cơ là lớn nhất, sau đó là các tàu ngầm chạy diesel. Ông Korotcheko còn dẫn ra ví dụ về việc Việt Nam đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo được cho là rất hiện đại.
"Nga cũng thành công trong việc xuất khẩu các khu trục hạm, tàu hộ tống có tên lửa dẫn đường. Các khách hàng nước ngoài cũng thể hiện sự quan tâm lớn tới những hệ thống phòng không và các xe bọc thép của Nga", Korotcheko cho biết thêm.
Xếp sau khu vực châu Á - Thái Bình dương trong danh sách những khách hàng lớn của ngành sản xuất vũ khí Nga lần lượt là các nước ở Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ.
Nhật Nam