Bệnh viện Vachira Phuket hàng năm tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân nước ngoài, đa phần là du khách đến khu nghỉ mát Phuket trong mùa du lịch kéo dài từ tháng 11 đến 3 năm sau. Đa số bệnh nhân bị thương trong lúc chơi các môn thể thao dưới nước hoặc do tai nạn giao thông. Số khác nhập viện vì bị chó, khỉ hoặc rắn cắn.
"Tình trạng người nước ngoài không thanh toán viện phí ngày càng gia tăng. Chúng tôi thật sự vô vọng vì không biết tìm họ ở đâu", Giám đốc bệnh viện Vachira Phuket, ông Chalermpong Sukontapol, cho biết.
Không chỉ riêng bệnh viện của Sukontapol, hóa đơn viện phí chưa thanh toán chồng chất khắp Thái Lan khi nước này nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua du lịch. Các nhà hoạch địch chính sách ở Nhật Bản cùng những điểm đến du lịch phổ biến khác ở châu Á cũng đang vật lộn với vấn đề này.
Chalermpong kể lại trường hợp gần đây về một thanh niên Mỹ bị chấn thương vùng đầu nghiêm trọng sau tai nạn giao thông. Anh được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt rồi sau đó chuyển ra phòng thường trong vài tháng. Do không mua bảo hiểm du lịch, sau khi xuất viện anh còn nợ 800.000 baht (26.400 USD). Bệnh viện Vachira Phuket vẫn đang mòn mỏi đợi chờ anh thanh toán.
Thu viện phí chưa trả vô cùng khó khăn, nhất là sau khi bệnh nhân xuất viện. "Chúng tôi đã thử nhiều cách bao gồm đến gặp bạn bè của du khách ở Thái Lan hoặc nhờ đại sứ quán tìm kiếm. Tất cả đều vô vọng", ông Chalermpong cho biết. "Nhưng chúng tôi không thể từ chối tiếp nhận du khách nước ngoài vì đó là tiêu chuẩn đạo đức nghề y. Chúng tôi là bệnh viện công và đội ngũ y bác sĩ phục vụ bệnh nhân ngoại quốc tương tự như người bản địa".
"Số lượng du khách gia tăng, nhưng chất lượng khách du lịch lại sụt giảm. Họ chuẩn bị tiền bạc chi trả cho khách sạn, thức ăn và tiệc tùng, nhưng không dành ra khoản nào cho bệnh tật hay tai nạn", Sarayut Ramarn, y tá chịu trách nhiệm dịch vụ khách hàng quốc tế ở bệnh viện Vachira Phuket, nói.
Hơn 14 triệu du khách nước ngoài đã đến Phuket trong năm tài khóa 2018 và bệnh viện Vachira Phuket tiếp nhận khoảng 9.000 du khách từ nhiều nước khác nhau bao gồm Nga, Pháp và Trung Quốc. Tuy nhiên, gần 50% hóa đơn viện phí của họ chưa được thanh toán.
Thái Lan đón 38 triệu lượt khách du lịch trong năm 2018, gấp đôi hồi 2010. Báo cáo của Bộ Y tế Thái Lan cho thấy các hóa đơn viện phí chưa thanh toán trên phạm vi toàn quốc tăng lên đến 448 triệu baht trong năm tài khóa 2019. Akom Praditsuwan, phó tổng giám đốc của cơ quan Hỗ trợ Dịch vụ Y tế thuộc Bộ Y tế Thái Lan, cho hay ngay cả khi bệnh nhân nước ngoài để lại địa chỉ liên lạc cũng hiếm khi tìm được vì họ thường cung cấp thông tin giả.
So với Thái Lan, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng nhanh hơn. Nhật Bản thu hút 31 triệu khách du lịch vào năm 2018, gấp 3 lần so với 2010. Chính phủ Nhật kỳ vọng tăng con số này lên 60 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện phải gánh tác động từ sự phát triển của ngành du lịch.
Tại bệnh viện Trung tâm Quốc gia về Dược phẩm và Y tế Toàn cầu (NCGM) ở thủ đô Tokyo, ít nhất 3 người nước ngoài không thể thanh toán viện phí kể từ tháng 4. Một người đã bị tính phí hơn 10 triệu yen (91.630 USD). Một người khác biến mất sau đợt điều trị với chi phí hơn 1 triệu yen.
"Trong những năm gần đây, chúng tôi tiếp nhận số lượng bệnh nhân nước ngoài nhiều hơn. Hiện 13% trong số bệnh nhân ngoại trú là người nước ngoài. Một số người không mua bảo hiểm du lịch hoặc có nhưng không đủ để bù đắp chi phí thực tế", Yasuo Sugiura, giám đốc bộ phận chăm sóc bệnh nhân nước ngoài của NCGM, cho biết.
Luật pháp Nhật Bản cấm bác sĩ từ chối tiếp nhận bệnh nhân, khiến hàng trăm bệnh viện gặp rắc rối. Kết quả cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản năm 2018 cho thấy 18% trong 2.174 bệnh viện có hóa đơn viện phí của người nước ngoài không được chi trả trong vòng 1 tháng hoặc hơn kể từ lúc xuất viện, trung bình 433.000 (3.968 USD) mỗi bệnh viện.
Chính phủ khuyến khích du khách mua bảo hiểm, nhưng khoảng 27% người nước ngoài không có bảo hiểm, theo báo cáo gần đây của Cơ quan Du lịch Nhật Bản. Chính vì thế, nhiều bệnh viện phải mua bảo hiểm cho chính họ để đề phòng bị quỵt tiền.
Công ty bảo hiểm Aioi Nissay Dowa ở Tokyo hồi tháng 4 ra mắt chương trình bồi thường cho các bệnh viện đối với hóa đơn chưa thanh toán của bệnh nhân nước ngoài. Đến nay, hơn 10 bệnh viện tham gia chương trình bảo hiểm này.
"Các bệnh viện đánh giá cao gói bảo hiểm vì nó giúp giảm gánh nặng thu tiền từ bệnh nhân", theo Aioi Nissay Dowa.
Trước tình trạng trên, chính phủ các nước bao gồm Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu vào cuộc, buộc công dân nước ngoài phải mua bảo hiểm nếu lưu lại trong thời gian dài.
Tính đến ngày 31/10, người nước ngoài sống ở Thái Lan với thị thực 1 năm, đa phần là người hưu trí, bị buộc phải có bảo hiểm. Chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 7 điều chỉnh hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, yêu cầu người nước ngoài sống ở nước này trên 6 tháng phải đóng phí bảo hiểm. Bộ Y tế nhấn mạnh biện pháp này là nhằm giúp Hàn Quốc giải quyết tình trạng quỵt viện phí.
Tuy nhiên, đối với du khách ngắn hạn, chính phủ vẫn chưa có biện pháp mạnh vì lo ngại ảnh hưởng đến ngành du lịch. Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc buộc tất cả khách du lịch phải mua bảo hiểm trước khi đến nước này. Nhưng các công ty lữ hành lo ngại nếu áp dụng quy định, ngành du lịch, vốn đóng góp 20% GDP, sẽ bị đe doạ.
Trân Châu (Theo Nikkei Asian Review)