Trong sự kiện Ngày Công nghệ FPT (FPT Techday), diễn ra vào 12/9 tại Hà Nội, trợ lý ảo chatbot là người dẫn chương trình cho hành khách bước vào Trạm không gian thực tế ảo.
"Chào mừng quý vị đến với Trạm không gian thực tế ảo. Để tận hưởng tối đa hiệu ứng, xin vui lòng giữ nguyên vị trí. Còn bây giờ, xin mời quý vị đến với tầm nhìn của FPT về một thế giới tương lai", MC ảo bắt đầu.
Người tham gia có cảm giác như ngồi trên ghế của một con tàu đang trôi đi trong không gian, từ lên rừng với chim muông ríu rít, đến xuống biển sâu với những sinh vật uốn lượn và từng rặng san hô lấp ló. Sau đó, khách như bước qua cánh cửa tương lai để đến với Thành phố Trí tuệ nhân tạo (AI). Tại đó, MC ảo giới thiệu về những sản phẩm ứng dụng công nghệ mới do FPT phát triển trong đời sống như robot giao hàng, xe tự hành, y tế thông minh, giao thông thông minh, chính phủ số với thông tin kết nối thông suốt từ chính phủ...
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo đã đưa chatbot trở thành khái niệm quen thuộc với người dùng cũng như giới phát triển. Các hãng công nghệ lớn như Microsoft, Facebook hay Apple đã xây dựng nhiều chatbot với khả năng trò chuyện thông minh với người dùng.
Về cơ bản, chatbot là một hình thức thô sơ của trí tuệ nhân tạo, hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống. Phạm vi và sự phức tạp của chatbot được xác định bởi thuật toán của người tạo nên chúng. Chatbot khi đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp bởi nó giúp tương tác với người dùng một cách tự động, có khả năng trả lời 24/7.
Tại Việt Nam, FPT đã tiên phong phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT. AI, cho phép các nhà phát triển tạo giao diện tương tác bằng ngôn ngữ tự nhiên - chatbot. Sau hai năm ra mắt, đến nay đã có hơn 1.000 ứng dụng chatbot được tạo lập, nâng cao trải nghiệm của người dùng trong nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, ngân hàng, hay hành chính công...
Ví dụ, Bot hỗ trợ giải đáp thông tin về tài khoản người dùng, tra cứu dữ liệu về sản phẩm, dịch vụ mới của một hãng viễn thông Singapore được phát triển từ nền tảng FPT.AI đã tiếp nhận và xử lý hơn 40.000 yêu cầu của người dùng trong một tháng, ngày cao điểm là hơn 4.000 yêu cầu. Hay Hệ thống tổng đài tự động sử dụng dịch vụ chuyển đổi văn bản thành giọng nói của FPT.AI đã thực hiện được hơn 750.000 nghìn cuộc gọi mỗi tháng, có thể thực hiện đồng thời 15.000 cuộc gọi, mỗi cuộc kéo dài hai phút. Trong khi thực tế, để làm việc đó trong một giờ cần 500 người.
FPT sẽ chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng
Nằm trong chuỗi sự kiện truyền cảm hứng FPT 30 năm tiên phong, Giám đốc công nghệ FPT Lê Hồng Việt cũng chính thức công bố FPT sẽ chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng.
Cụ thể, Tập đoàn sẽ chia sẻ 30 tiếng thu âm dữ liệu của hàng triệu người trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam để giải quyết bài toán chuyển giọng nói thành văn bản. Ngoài ra, 30.000 câu dữ liệu mạng xã hội kèm theo dữ liệu mô tả về gán nhãn từ loại và tách từ cũng sẽ giúp cộng đồng nghiên cứu rút ngắn thời gian nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên và đưa những nghiên cứu đó đến đó gần hơn với thực tế. Đây là một phần của kho dữ liệu mà FPT đã thu thập trong thời gian qua.
"Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng công nghệ Việt Nam là một trong những mục tiêu mà FPT đang theo đuổi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các dữ liệu tiếp theo để cồng đồng cùng sử dụng và phát triển", ông Việt nhấn mạnh. "FPT sẽ không ngừng thay đổi sản phẩm và ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế, mang tới những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, đồng thời mong muốn kết nối cộng đồng startup".