Dịch vụ cầm cố chứng khoán vẫn chưa được các ngân hàng mở trở lại. Thế chấp tài sản để vay ngân hàng cũng không thực hiện được. Anh Minh, một nhân viên ngân hàng, anh có căn nhà được định giá trên 4 tỷ đồng. Sẵn có nhiều mối quan hệ trong ngành, nhưng anh không thể dùng căn nhà trên để thế chấp vay vốn ngân hàng chơi chứng khoán.
Hết cửa thế chấp, một số người xoay sang bán nhà. Thị trường bất động sản vẫn trong xu hướng xuống. Lại dính tháng cô hồn, người dân kiêng mua bán đất nên rút tiền khỏi bất động sản cũng không dễ chút nào.
Một cán bộ đang làm việc tại Vietcombank còn bay sang Singapore với ý định rút vốn đang đầu tư vào một dự án tại đảo quốc này.
Hiện đã có một số các công ty chứng khoán triển khai trở lại khai hoạt động repo. Tuy nhiên, kênh này chưa đủ lớn để tạo ra nguồn cung vốn đáng kể cho chứng khoán. Hơn nữa, sau những trái đắng phải nhận giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng với dịch vụ này.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết với việc nguồn cầm cố bị thắt chăt, và tiền vay từ dịch vụ repo khá hạn chế, vốn tự có đang chiếm một tỷ lệ lớn trong nguồn tiền đổ vào chứng khoán thời gian gần đây.
Hơn nữa, theo ông Hưng, lãi suất cho vay lên tới 20% một năm, dù vay được tiền dưới hình thức nào đi nữa, ít nhà đầu tư nào chịu mạo hiểm vay tiền để mua cổ phiếu vì làm như vậy sẽ hết sức rủi ro.
Một chuyên gia chứng khoán nhớ lại giai đoạn hơn một năm trước, hoạt động cho vay, cầm cố, repo được triển khai mạnh tại nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán. Nhà đầu tư mua cổ phiếu rồi cầm cố hoặc repo chính lượng chứng khoán mua được để tiếp tục đầu tư. Khi thị trường điều chỉnh giảm, mức lỗ mà người cầm cố phải chịu trong nhiều trường hợp có thể vừa tính trên lượng cổ phiếu mua bằng tiền ban đầu và cả với lượng mua bằng tiền cầm cố.
Hiện tại, tiền đổ vào chứng khoán ít đến từ các nguồn cho vay, nếu thị trường điều chỉnh giảm, người nắm cổ phiếu sẽ không phải chịu áp lực trả lãi. Từ đó giảm nguy cơ bán tháo.
Lượng "tiền thật" của nhà đầu tư có hạn trong khi họ vẫn chưa có cửa để vay ngân hàng với mục đích đầu tư chứng khoán. Ảnh: Xuân Hòa. |
Tuy nhiên, một nhà đầu tư tại Công ty Chứng khoán SME có ý kiến rằng, "tiền thật" chỉ có hạn nên nếu không có nguồn cho vay từ ngân hàng, hoặc can thiệp mạnh của các quỹ hay tổ chức lớn, đà hồi phục của Vn-Index khó duy trì ở tốc độ cao như những phiên vừa qua.
Trước việc công ty chứng khoán "rục rịch" mở lại các dịch vụ repo, hoặc thấu chi. Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc làm này của các công ty cũng là dễ hiểu trong giai đoạn khởi sắc hiện nay. Repo sẽ vừa giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội đạt lợi nhuận cao hơn, vừa mang lại nguồn thu cho công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng các công ty chứng khoán cần rút kinh nghiệm từ giai đoạn điều chỉnh giảm vừa qua để từ đó có hạn mức repo một cách hợp lý để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc khối Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán EuroCapital nhận định, hiện tại yếu tố vĩ mô tuy đã được cải thiện nhưng vẫn là quá sớm nếu các nhà đầu tư nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng cho đầu tư chứng khoán như trước kia. Việc vay vốn để đầu tư có tác dụng hai mặt, vừa có thể đẩy nhanh tốc độ đi lên của thị trường nhưng trái lại có thể gây ra tình trạng bán tháo như những gì đã diễn ra trong những tháng trước.
Bên cạnh đó, mua cổ phiếu bằng vốn tự có sẽ giúp chứng khoán ổn định hơn so với đầu tư bằng vốn vay. Ngoài ra, khoản lỗ mà nhà đầu tư nếu phải chịu sẽ chỉ tính trên vốn đầu tư ban đầu nên cũng thấp hơn so với trường hợp cầm cố cổ phiếu.
Một chuyên gia kinh tế cho biết, đồng tiền đầu cơ chứng khoán thực chất không mang lại của cải vật chất cho xã hội thế nên việc vay vốn ngân hàng để lướt là không có lợi cho nền kinh tế. Đồng vốn đó nên được sử dụng để đầu tư vào sản xuất, tạo ra của cải cho xã hội thay vì dùng để lướt sóng.
Xuân Hòa