Vai đeo balo, tay cầm túi kẹo, tay kia dắt cậu con trai nhỏ, anh Thục dáo dác tìm xe về Thái Bình. Anh cho biết, hai vợ chồng ra Hà Nội lao động chân tay, năm nay ít việc nên về quê sớm. Vợ anh cùng cô con gái chưa đầy 2 tuổi đã đi xe khách về từ 3 hôm trước.
"Tôi cố làm vài ngày nữa xem có được thêm đồng nào không, cho mẹ đưa con út về trước vừa chuẩn bị Tết, vừa đỡ bị xe đông phải chen chúc", anh Thục kể.
Vợ chồng anh thuê nhà trọ ở khu Cổ Nhuế, phải bắt xe ôm ra bến xe, đi ôtô khách Thái Bình về tới thị xã rồi từ đó tiếp tục bắt xe buýt thêm 20 km nữa mới về tới xã. "Con nhỏ, mỗi lần đi đi về về mệt lắm, nhất là thằng cu lại say xe, người chen chúc, nhìn con nôn mửa thắt lòng nhưng Tết không về không được", anh Thục thở dài.
Bế cô cháu gái tuổi rưỡi ngồi đợi xe khách, bà Lụa (Hà Nam) cho biết, bố mẹ bé làm việc tới hết 28 Tết mới được nghỉ, nên hai bà cháu về trước kẻo ở quê chỉ còn mình ông. Trong lúc bà vừa lo trông hai túi đồ, vừa bế cháu và hỏi về chuyến xe sớm nhất về quê, thì cô cháu gái kêu khóc đòi về với mẹ.
"Một mình đưa cháu về lúc xe đông đúc thế này tôi cũng lo lắm, nhưng đợi bố mẹ nó thì muộn quá. Cả năm có cái Tết cũng phải về mà chuẩn bị ướp vại dưa hành, gói nồi bánh chưng chứ", bà nói.
Bà Lụa ra Hà Nội trông cháu từ hồi bé mới sinh. Vợ chồng anh con trai nghèo thuê nhà ở Khâm Thiên. Sáng nay, khi bố mẹ bé vừa đi làm khỏi thì hai bà cháu cũng đi xe ôm tới bến xe. Sáng 29 Tết con trai và con dâu bà mới chạy xe máy về quê.
"Chúng nó bảo hay tôi đi một mình về trước, chứ một bà một cháu với đồ đạc thì vất quá, rồi hôm nào hai vợ chồng đèo con về sau. Nhưng như thế thì chúng lại phải đem con bé gửi bà trông trẻ trong xóm, tôi chẳng yên tâm nên đưa luôn cháu về. Giờ cũng lo lo, sợ lên xe con bé nó khóc, rồi say xe thì không biết làm sao", bà Lụa thổ lộ.
Con mới 7 tháng tuổi nhưng vợ chồng chị Nhung cũng đành mua vé tàu cho bé về Nam Định ăn Tết với ông bà nội. "Đi taxi hết gần triệu bạc, bố mẹ cháu không chống nổi. Đi tàu không phải chen lấn nên cũng đỡ lo", chị Nhung kể. Vợ chồng chị đi xe máy hơn chục km từ Mỹ Đình ra ga rồi gửi xe lại đó để lên tàu. Về đến Nam Định, cả nhà lại phải bắt xe khách mấy chục cây số nữa mới về tới nhà ông bà. "Mình người lớn đi nhiều khi còn thấy vất vả, vì có lúc nửa đêm gà gáy đã phải lục tục ra ga, giờ thêm cả trẻ con, thấy hoảng lắm", chị Nhung chia sẻ.
Chị cho biết, vì lần đầu tiên đưa con nhỏ đi xa nên chị rất lo. Riêng việc chuẩn bị đồ ăn, thuốc uống, quần áo cho bé cũng không đơn giản. "Ở quê không sẵn mua đồ nên mình phải mang về hết các dụng cụ cá nhân của bé, nào bột, nồi quấy, bình sữa, bỉm, chăn ủ... Sợ nhất con lên xe lại quấy khóc hay ọc sữa, rồi ảnh hưởng tới mọi người xung quanh", chị Nhung bày tỏ.
Nghĩ tới việc vài ngày nữa phải đưa con về quê, chị Thoại (Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấy ngao ngán. Từng có "kinh nghiệm đau thương" khi đưa con đi xa, chị không hề muốn tha con về vào những ngày này, nhưng chẳng làm khác được.
"Năm kia, con được 10 tháng, dù đã ủ ấm cho con, chuẩn bị đủ thứ từ chăn, gối đến đồ ăn, sữa nhưng về quê hôm trước thì hôm sau con mũi xanh mũi vàng rồi ho, sốt. Cả Tết hai mẹ con chỉ ôm nhau ở nhà, uống thuốc. Ở quê trong nhà cũng thông thống như ngoài trời, sợ con ốm lắm", chị Thoại chia sẻ.
Chị cho biết, năm nay hai mẹ con chị đi cùng taxi với một gia đình khác, cùng ở Thanh Hóa cho đỡ tốn kém. Bố bé sẽ đi xe khách về sau. "Cứ nghĩ tới việc lích kích chuẩn bị đồ rồi tha nhau đi về gần 200 km là đã oải rồi, chẳng còn thiết tha gì Tết nhất nữa", chị Thoại thổ lộ.
Năm nào cũng phải đưa hai con về quê chồng ở Hà Tĩnh ăn Tết, chị Minh (Khâm Thiên, Hà Nội) thấm thía đủ nỗi cực nhọc. Chị chia sẻ kinh nghiệm, trước khi lên xe cần chuẩn bị cho con thật kỹ càng: Đóng bỉm loại thấm hút tốt cho bé, mặc quần áo phù hợp với thời tiết, trên xe đông người thì nên chọn ghế ngồi gần cửa sổ, nới bớt quần áo cho con. Trước khi bé đi xe không nên cho ăn quá no, và nên ăn bột (với bé đã ăn dặm) thay vì uống sữa, bởi sữa dễ làm bé ghê cổ, bị nôn trớ.
Ngoài ra, mẹ cần mang sẵn trong túi áo của mình khăn xô mỏng, khăn ướt để có thể dùng ngay khi cần nếu con ọc sữa. Có thể mang theo các đồ con quen thuộc như ti giả, gấu bông để trấn an nếu bé sợ sệt khi lên xe toàn người lạ.
Tùy điều kiện nơi con về có phải là trung tâm dễ mua sắm hay nơi quê xa, mẹ có thể chuẩn bị sẵn các loại thuốc cần thiết (thuốc hạ sốt, thuốc bù dịch, men tiêu hóa, thuốc ho...). Với các bé nhỏ, nên hạn chế đi lại, nếu cần, nên đi bằng taxi vì không khí ngột ngạt trên xe khách có thể gây nguy hiểm.
Vương Linh