Người phụ nữ 38 tuổi ở Thanh Hóa đóng đinh làm thêm hai dây phơi trước hiên nhà và trong phòng, bật quạt cả ngày lẫn đêm. Phơi ba ngày, quần áo vẫn mùi ngai ngái của xà phòng lẫn với nước xả vải.
Cực chẳng đã gia đình chị dùng biện pháp hai ngày mới thay một bộ. Chị liên tục nhắc lũ trẻ không nghịch bẩn, tránh phải thay quần áo.
"Tôi biết mua máy sấy sẽ giải quyết được chuyện này nhưng bỏ ra gần chục triệu đồng cho thứ mỗi năm dùng vài lần lãng phí quá", Thu Hằng giải thích.

Chị Kiều Duyên mang quần áo vào hiên nhà hong, hôm 21/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vợ chồng chị Kiều Duyên, 39 tuổi, ở Hà Nội, cùng ba đứa con ngày nào cũng phải giặt hai mẻ quần áo. Để vượt qua mùa nồm ẩm, chị mua máy sấy gấp gọn hơn 100 nghìn đồng nhưng dùng hai ngày đã hỏng. Duyên đành quay về với giải pháp truyền thống.
Nhà chị mắc ba dây phơi, chia độ khô của đồ thành ba loại. Loại ngoài sân có mái che treo đồ vừa lấy từ máy giặt. Khi đỡ ướt hơn chị cho vào trước hiên nhà. Khô hơn một chút nữa sẽ cho vào phòng, đóng kín cửa, bật máy sưởi hong. Dù vậy, quần áo vẫn không tránh được mùi ẩm mốc.
''Cầm lên mũi ngửi chỉ muốn thả luôn xuống sàn lau cái nền nhà cũng đang ướt nhẹp'', chị kể.
Hai ngày nay, gia đình chị tìm đến các tiệm giặt là để giải quyết quần áo tồn lại.
Chị Thu Trang, nhân viên một chuỗi tiệm giặt là bình dân ở Hà Nội cho biết một tuần nay, lượng khách tăng gấp chục lần ngày thường. Tại một cơ sở của chị Thu Trang, 6 chiếc máy giặt, sấy hoạt động từ sáng đến tối. "Phần lớn khách là các hộ gia đình ở trọ hay sinh viên không có máy sấy, nơi phơi phóng chật chội nên đồ giặt đều là quần áo hàng ngày, kể cả đồ mỏng '', chị nói.
Tuần qua, miền Bắc nồm ẩm do sương mù, mưa phùn, tường, mặt đất bị "đổ mồ hôi" do độ ẩm không khí thường xuyên duy trì trên 80%. Nguyên nhân là ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch đông đưa hơi ẩm từ biển vào.

Một tiệm giặt là ở Cầu Giấy, Hà Nội, chật kín đồ khách đợi giặt, hôm 22/2. Ảnh: Phạm Nga
''Không có máy sấy, phơi quần áo trong thời tiết này là cực hình'', Tiến sĩ Vũ Thị Tần, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhà sáng lập thương hiệu tẩy, rửa T-Clean nói.
Để giải quyết tình cảnh quần áo phải dồn lại vì không khô, nhiều gia đình như chị Kiều Duyên hay chị Thu Hằng, chọn giải pháp bật điều hòa chế độ hút ẩm, bật máy quạt, máy sưởi để hong.
Tiến sĩ Tần cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, khó giúp quần áo khô mà không có mùi ẩm mốc.

Dấm trắng và Baking soda có thể giúp quần áo đỡ ẩm mốc. Ảnh: Vũ Tần
Tiến sĩ Tần khuyên nên áp dụng mẹo giặt quần áo bằng máy giặt kết hợp với baking soda, chất có tác dụng khử mùi, khử khuẩn, để quần áo khô mà không có mùi.
Đầu tiên, các gia đình đặt máy giặt ở chế độ giặt nước nóng 40ºC (máy không có chế độ nước nóng có thể giặt nước lạnh). Cho thêm 2-3 thìa baking soda trộn cùng nước giặt. Ở ngăn nước xả, bỏ vào 3-4 thìa nhỏ giấm (thêm 3-5 giọt tinh dầu nếu có). Giặt xong, phơi quần áo luôn ở nơi thoáng đãng.
Chuyên gia Izumi Onuki, người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực vệ sinh giặt ủi ở Nhật Bản, đưa ra ba phương pháp phơi trên móc phổ biến khi không có máy sấy, tủ sấy. Đó là kiểu phơi vòm, phơi chữ V và phơi dài ngắn xen kẽ.
Với kiểu vòm, treo quần áo dài, lớn bên ngoài. Các món đồ nhỏ, ngắn bên trong, giúp tạo thành hình vòm. Bên trong rỗng, cho phép không khí đi qua dễ dàng. Nhờ đó, ngay cả những bộ quần áo khó khô bên trong cũng có thể được sấy khô nhanh chóng.
Với kiểu phơi hình chữ V, đồ giặt lớn khó khô được đặt bên trong. Còn với kiểu phơi dài ngắn, đồ giặt được treo xen kẽ, gây khó khăn cho việc tạo đường dẫn khí.
Onuki khuyên không nên treo đồ lên rèm vừa bẩn, vừa không dễ khô vì gần tường, thông gió kém. Nên treo đồ ở giữa không gian để có hệ thống thông gió tốt.
Chị Thu Hằng cho biết đã xem nhiều hướng dẫn cách phơi đồ trong mùa nồm ẩm, nhưng chưa thấy giải pháp nào hữu hiệu. Hằng dự định nếu tình trạng này kéo dài thêm vài ngày sẽ chi vài trăm nghìn đồng mua máy sấy, chấp nhận rủi ro hàng rẻ dễ hỏng.
Phạm Nga