Phan Linh (27 tuổi, Hà Nội) một tay xắn váy, một tay ôm bộ quần áo dân tộc mới thuê đi bộ xuống ruộng lúa. Đường xuống "vành móng ngựa" dốc, trơn trượt, lối đi giữa các tầng lúa hẹp, Linh bước hụt chân thụt xuống ruộng, ướt giày, ướt chân váy nhưng vẫn gọi với lên trên nhắc bạn chụp ảnh chỉ chụp bán thân.
Do quá đông nên để chụp một bức ảnh như ý, nhiều du khách phải đứng xếp hàng 30 phút cho mỗi điểm chụp. Chị Minh Trang (26 tuổi, ờ Yên Bái) cùng chồng đi chụp ảnh cưới ở ruộng mâm xôi mất gần một ngày mới hoàn thành được bộ ảnh.
"Bộ váy cưới cồng kềnh phải nhờ hai người theo hỗ trợ mới len vào được đoạn giữa ruộng. Vừa vào đến nơi thì đằng sau lại có nhóm du khách nên mình tiếp tục đợi đến khi họ đi khất khỏi ống kính", Trang nói.
Các trường hợp như trên không phải ngoại lệ bởi các ruộng lúa tại Mù Cang Chải đang bước vào mùa đẹp nhất năm và thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào cuối tuần trong tháng 9. Theo ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mù Cang Chải, năm nay địa phương đón lượng khách cao hơn trước dịch, trung bình mỗi tuần đón hơn 20.000 lượt.
Có bốn điểm tham quan, chụp ảnh nổi tiếng nhất tại đây là ruộng mâm xôi, vành móng ngựa (còn gọi là võng lúa), rừng trúc và điểm dừng chân đèo Khau Phạ. Để đến được những điểm này, du khách thường phải thuê xe ôm từ chân núi, di chuyển từ 2 đến 5 km đường núi, dốc, nhiều đoạn cua gấp và chỉ vừa một xe máy.
Anh Giàng A Lử (37 tuổi), xe ôm ở khu rừng trúc cho biết, nếu không phải người bản địa và vững tay lái thì không thể đi xe máy được đường này. Phần lớn khách muốn đi rừng trúc đều phải thuê xe ôm với giá khoảng 120.000 đồng một người khứ hồi. Ngày cuối tuần, anh Lử có thể chở 10 đến 15 lượt khách lên xuống, gấp đôi ngày thường. Còn khi hết mùa vàng, anh chủ yếu làm nương, trồng ngô và nhận chở đồ khi có người gọi.
Sau khi đến điểm tham quan, du khách tiếp tục di chuyển đường đất tới nơi cần chụp ảnh. Đường xuống mâm xôi, vành móng ngựa đều là lối đi ruộng, hẹp, dốc đứng, trơn trượt. Những đoạn chuyển giao giữa các tầng ruộng khá cao, và phải nhờ đến sự giúp đỡ của người dân mới nhảy lên hoặc bước xuống được.
Vào ngày cao điểm, những thửa ruộng lúa bậc thang hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan. Trên nền lúa xanh, vàng là hàng người nối tiếp nhau đợi đến lượt chụp ảnh. Người dân địa phương dựng lên các tiểu cảnh để chụp ảnh như: xích đu, ghế ngồi hình trái tim, hay tận dụng chòi canh cho khách ngồi, thu phí từ 5.000 đến 10.000 đồng một lượt.
Vất vả vì vào mùa cao điểm, nhưng nhiều du khách cho biết họ nhận được thành quả cũng xứng đáng. Nền lúa xanh vàng tôn chân dung người chụp. Ngoài ra, để có những bức ảnh đẹp và vắng vẻ, có thể chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người cho biết phải sử dụng các phần mềm chỉnh ảnh. Với background là đồng lúa, khá dễ dàng xoá người, xoá những tiểu cảnh không mong muốn trong ảnh.
Anh Trung Nguyễn (43 tuổi, Hà Nội) nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh du lịch cho biết, ở Mù Cang Chải nếu du khách muốn săn ảnh đẹp và vắng người có thể đẹp sớm từ 4h sau đó dựng chân máy và đợi bình minh lên hoặc đợi đến khi nào vắng người thì bấm máy. Với ảnh chụp người, du khách nên tham khảo trước những góc đẹp, chọn những chỗ có nhiều lúa không rõ đường viền chia cắt giữa các thửa ruộng, như vậy nếu có người cũng dễ xoá hơn, ngoài ra có thể chụp góc rộng sau đó cắt góc hậu kỳ.
Mù Cang Chải có khoảng 700 ha ruộng bậc thang, tập trung ở các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình... Trong đó đồi Mâm Xôi được mệnh danh là ngọn đồi đẹp nhất Tây Bắc. Hàng năm vào khoảng tháng 9, nơi đây trở thành tâm điểm của Tây Bắc và đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan.
Theo dự kiến, cuối tuần này (từ 23 đến 25/9), khi Mù Cang Chải tổ chức lễ hội mùa vàng, lượng khách du lịch đổ về sẽ còn đông hơn. Ngoài ra, ngày 24/9, ở đây còn có giải chạy trail cũng thu hút hàng nghìn runner. Ước tính đến hết tháng 9 năm nay, huyện Mù Cang Chải sẽ đón hơn 251.000 lượt khách, vượt con số 141.000 của cả năm 2019 khi chưa có Covid-19.
Thanh Thúy