"Dù cố gắng bổ sung thuốc, khám định kỳ nhưng mắt con không ngừng tăng độ. Việc điều trị không chỉ mệt mỏi tinh thần mà còn là cuộc đấu tranh về tài chính, khi khoản nợ ngày một chất chồng", chị Loan nói, hôm 15/6.
Chị Loan là nhân viên kế toán của một công ty nội thất, ở huyện Hoài Đức, thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Trong một lần đến trường, chị vô tình thấy con gái phải chạy sát gần bảng để chép bài. Nghi con bị cận, chị đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán cận 4 độ, khuyên cần theo dõi để không tăng độ quá nhanh.
Về nhà, hai vợ chồng mua thuốc bổ mắt và đưa con đi khám nhiều bệnh viện, "chỉ mong giữ được độ cận hiện tại", nhưng chưa đầy một năm, bé tăng thêm ba độ. Trẻ không thể tham gia các hoạt động thể thao do mắt kém, trong khi mang kính thì vướng víu. Khi trời mưa hoặc nồm, hơi nước bốc lên khiến tầm nhìn hạn chế. Trong lớp ít bạn bị cận thị, bị chọc là "mắt nổ mắt xịt" khiến trẻ càng tự ti.
"Nhìn con thấp bé, chật vật đeo cặp kính nặng nề, lại thua thiệt nhiều thứ so với bạn bè khiến vợ chồng tôi sốt ruột, ai mách đâu có thuốc tốt lại chạy đi mua nhưng không có tác dụng gì", chị Loan nói, thêm rằng chi phí khám mắt, thuốc nhỏ, kèm dinh dưỡng cho bé hàng tháng lên tới hai triệu đồng.
Đầu năm nay, thấy con có hiện tượng lác và một bên mắt ngày càng mờ, chị bàn với chồng vay nặng lãi đưa con đi mổ thoát cận. Do giác mạc của bé mỏng, độ cận cao, bác sĩ tư vấn phương pháp mổ mới, chi phí 100 triệu đồng, chưa kể các khoản phát sinh. Hiện, sau mổ, bé vẫn phải đến viện để tập nhìn chữa chứng lác, đồng thời phải nhỏ thuốc thường xuyên giữ mắt không bị khô, viêm.
"Bác sĩ nói dù được mổ mắt, con vẫn có khả năng tái cận, nên thực sự tôi cũng không biết mình quyết định đúng hay sai", chị Loan nói, thêm rằng đang tiết kiệm "từng đồng" để trả khoản vay 150 triệu đồng.
Cũng chật vật đeo kính gần 15 năm, Linh, ở Tây Hồ, cho biết gia đình đã đi khám rất nhiều bệnh viện uy tín, kết hợp uống thuốc để chữa mắt, song tình trạng không tiến triển. Biểu hiện rõ nhất của em là bị lồi mắt do phải đeo kính trong một thời gian dài, bị trêu là "mắt ốc bươu", "mắt ếch". Ngoài ra, độ cận cao cộng với việc đeo kính trong suốt thời gian dài, nên mí mắt của nữ sinh trông lờ đờ, thiếu sức sống, khiến cô ngại giao tiếp, chỉ ở trong phòng sau giờ học.
Nghe nhiều người mách, bố mẹ đưa Linh đi nhiều bệnh viện để khám mổ mắt, chi phí từ 90 triệu đến 150 triệu đồng. Tại phòng khám tư, số tiền có thể lên đến 200 triệu đồng, bao gồm cả thuốc và chăm sóc sau phẫu thuật. "Như lạc vào ma trận vì không biết lựa chọn bệnh viện nào", Linh kể lại.
Tuy nhiên, sau khi khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương, bác sĩ kết luận giác mạc mỏng không thể phẫu thuật, nên tăng cường bổ sung dinh dưỡng, thuốc và khám định kỳ. Đến nay, Linh 22 tuổi, vẫn chưa thể phẫu thuật, "song tiền khám và thuốc lên đến cả trăm triệu đồng".
Tổ chức Y tế Thế giới WHO dự đoán 50% dân số toàn cầu có khả năng bị cận thị vào năm 2050. Tại Việt Nam, số ca cận thị tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là khu vực thành thị. Trong đó, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỷ lệ cận thị có thể lên tới 50-70% ở học sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan, Phó khoa khám bệnh phụ trách Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, cho biết một số nguyên nhân chính gây tình trạng cận thị, là di truyền, môi trường, thói quen sinh hoạt, đeo kính cận non số. Trong đó yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng vì trực tiếp gây ra cận thị và gia tăng số cận.
Cận thị gây khó khăn và bất tiện trong các sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống, đồng thời ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Các em bị cận thị có nguy cơ tổn thương nặng về thị giác như bị nhược thị do không đeo kính hoặc đeo kính không đủ số.Với cận thị mức độ nặng trên 6 độ có thể gây các tổn thương nặng nề như thoái hóa, đục thủy tinh thể, Glocom, bong dịch kính sau, bong võng mạc, mù. Tình trạng cận thị không được kiểm soát còn có thể gây gánh nặng cho gia đình do chi phí điều trị lớn và các bệnh lý liên quan.
Trẻ cận thị có thể đeo kính hoặc phẫu thuật. Tuy nhiên, "chưa có một biện pháp nào có thể điều trị triệt để, trẻ vẫn có nguy cơ bị cận trở lại, do đó hành trình chữa khỏi rất gian nan", bác sĩ Hoàng Thanh Tùng, khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nói.
Mổ cận tức tác động vào bề mặt nhãn cầu (giác mạc) để thay đổi khúc xạ của giác mạc và thay thế cho việc đeo kính cận. Sau khi mổ cận vẫn phải duy trì các biện pháp bảo vệ cho mắt. Nhiều trường hợp mổ xong phải đeo kính trở lại, chứng tỏ cận thị đã có xu hướng tiến triển nặng hơn.
Như trường hợp một bệnh nhân 18 tuổi, mổ cận cách đây hai năm, nhưng sau đó không đi kiểm tra định kỳ. Khi thấy mắt mờ và mỏi hơn, em được bố mẹ đưa đến một trung tâm kính mắt, chỉ được đo lại bằng máy khúc xạ tự động với con số ước lượng, dẫn đến sai số thị lực.
Khi một bên mắt mờ nhiều, bệnh nhi mới vào viện khám, bác sĩ phát hiện tái cận, số cận cao gấp ba lần trước khi mổ, phải đeo kính trở lại. Hiện, cứ ba đến sáu tháng, nam sinh phải đi tái khám, kèm các chi phí thuốc uống và nhỏ để giữ cho mắt không tăng số. "Việc chữa cận khó khăn và tốn kém với nhiều gia đình. Tốt nhất là bố mẹ cần quan tâm sát sao đến con, để trẻ không hoặc hạn chế mắc các tật khúc xạ", ông Tùng nói.
Các bệnh viện chưa có thống kê cụ thể cho chi phí khám, chữa cận cho một bệnh nhân, nhưng các bác sĩ ước tính số tiền chi cho một cuộc mổ cận cũng như các thuốc, thực phẩm chức năng dao động từ 50 đến 150 triệu đồng. Chưa kể, nhiều trẻ bị tái cận, "số tiền coi như đổ sông đổ bể", bác sĩ nói.
Để phòng ngừa bệnh cận diễn biến tiêu cực, bác sĩ khuyến cáo trẻ cần đeo kính đủ số và kiểm soát sự tiến triển của cận thị. Hạn chế nhìn gần và sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như điện thoại, ipad, máy tính, tivi... Tăng cường hoạt động ngoài trời, ít nhất hai tiếng một ngày và 10 giờ mỗi tuần. Bổ sung đầy đủ các nhóm thuốc có caroten, kẽm, xanthine, zexanythin hoặc các loại ăn trái cây có màu đỏ, vàng.
Áp dụng quy tắc 20-20-20 để giảm nhức mỏi mắt, cụ thể sau mỗi 20 phút đọc sách hay nhìn màn hình, nhìn vào một vật cách mắt tối thiểu 6 m trong 20 giây.
Bên cạnh đó, gia đình nên đến cơ sở uy tín khám, không tự ý dùng, lạm dụng thuốc, hoặc tự chữa cận thị theo các phương pháp dân gian, thiếu khoa học. Nên cho trẻ khám mắt định kỳ từ ba đến 6 tháng một lần để phát hiện và chỉnh kính kịp thời.
Những dấu hiệu giúp sớm phát hiện khi trẻ bị cận thị như trẻ phải đọc sách hoặc xem tivi ở cự ly gần, hay nhìn nghiêng, hay nháy mắt, lác mắt, nheo mắt, trẻ lớn có thể kêu mờ mắt.
Minh An - Nguyễn Huyền