Sau gần 3 năm đi làm tại một công ty phân phối mỹ phẩm ở TP HCM, đến cuối năm 2022, Ngọc Yến bất ngờ nằm trong số nhân viên bị cắt giảm bởi nhãn hàng mà cô phụ trách tạm ngừng kinh doanh tại Việt Nam. Không may rơi vào cảnh mất việc khi thị trường lao động đang khó khăn, chưa thể tìm ngay việc mới, tiền dành dụm chỉ có hơn nửa tháng lương nên bạn trẻ này chỉ còn cách "thắt lưng buột bụng", cắt giảm tối đa chi tiêu.
"Mình bỏ luôn bữa ăn sáng, buổi trưa và chiều thì mua các nguyên liệu từ chợ để nấu ăn cho tiết kiệm, các khoản chi để làm đẹp như kem chống nắng, xịt khoáng da, kem dưỡng ẩm mình cũng cắt giảm toàn bộ", Ngọc Yến nói.
Để tiết kiệm sinh hoạt phí, mỗi ngày cô chỉ mở máy điều hòa khoảng 2 giờ đồng hồ. Nếu tình hình này kéo dài, Ngọc Yến sợ không thể cầm cự nổi mà phải đi vay tiền người khác.
Trước đó, dù nhiều lần có ý định tiết kiệm để dành ra khoảng tiền phòng thân, nhưng mỗi khi số tiền đủ cho một chuyến du lịch hoặc một chiếc điện thoại đời mới, cô đều không ngại "vung tay" cho những trải nghiệm này, số tiền tiết kiệm "cứ đầy rồi lại vơi". Thêm vào đó, vì chỉ có duy nhất nguồn thu từ công việc phân phối mỹ phẩm nên khi thất nghiệp, Ngọc Yến lập tức gặp khó khăn.
Cùng hoàn cảnh mất việc bất ngờ như Ngọc Yến, Hương Lan chọn cách về quê nhận giúp đỡ từ bố mẹ. Nhờ đó cô cũng không đặt nặng áp lực thời gian tìm việc. Tuy nhiên do sống nhờ khoản trợ cấp gia đình nên Lan cũng phải hạn chế mua sắm mỹ phẩm, quần áo... và không gặp bạn bè.
"Đây cũng chỉ là phương pháp tạm thời trong lúc chờ tìm việc mới, nếu cứ tiếp tục sống nhờ vào gia đình, tôi sợ bản thân sẽ stress", Lan chia sẻ.
Thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm.
Chuyên gia tài chính độc lập Phan Dũng Khánh đánh giá tình trạng dễ căng thẳng, suy sụp khi mất việc bởi nhiều người chưa biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả dẫn tới không có khoảng tiết kiệm dự phòng khi rủi ro hoặc biến số xảy ra. Còn chuyên gia tài chính cá nhân Lâm Minh Chánh cho rằng thói quen làm bao nhiêu xài bấy nhiêu cùng tâm lý cậy nhờ con cháu khi về già khiến không ít người chưa có kế hoạch tài chính đủ tốt. Điều này dẫn tới những rủi ro, khiến bản thân trở thành gánh nặng khi không thể lao động. Kết quả khảo sát của Backbase ghi nhận tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền của Việt Nam cao nhất trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương.
Để giải quyết bài toán của Ngọc Yến và Hương Lan đang gặp phải, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh khuyên các bạn trẻ là cần lập bảng báo cáo thu nhập và chi tiêu. Cụ thể là việc thống kê chi tiết các nguồn thu- chi hằng tháng, tìm ra những chi tiêu bất hợp lý có thể cắt giảm ngay lập tức, những chi tiêu chưa quan trọng, chưa cần thiết cần phải được giảm thiểu.
Còn đối với chuyên gia Dũng Khánh, thay vì cố gắng "dè sẻn" từng đồng, hãy thử áp dụng quy tắc "tấn công lẫn phòng thủ". Cụ thể, bên cạnh tiết kiệm các khoản chi thì việc tạo ra nguồn thu mới được xem là biện pháp hữu hiệu.
Nguyên tắc của việc duy trì cuộc sống mà không lâm nợ là "chi ít hơn thu", nếu nguồn thu đột ngột mất đi, bạn buộc phải đi tìm nguồn thu mới bên cạnh việc tiết kiệm chi tiêu.
Vị chuyên gia đưa ra ví dụ về trường hợp bạn của anh là một nhân viên ngân hàng tại TP HCM khi nguồn thu duy nhất từ lương anh bạn này bị cắt giảm trong đợt dịch Covid-19. Thay vì mượn nợ hoặc chờ đợi trợ cấp, anh vận dụng những kỹ năng về nấu ăn, làm bánh của mình để tạo nguồn thu mới. Giai đoạn đầu, anh nhờ các mối quan hệ đồng nghiệp, người thân ủng hộ và giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy giúp anh vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đến nay, dù tìm được việc làm khác nhưng anh vẫn duy trì nghề tay trái của mình, thậm chí có lúc công việc làm bánh còn mang lại nguồn thu cao hơn nghề chính.
Theo chuyên gia Dũng Khánh, những trường hợp khó khăn như trên một phần là do khi thu nhập họ ổn định, họ lại không biết cách kiểm soát, dẫn đến không có khoản tích lũy hay nguồn thu nhập thụ động. Bên cạnh việc duy trì cán cân thu-chi, cá nhân cần có kiến thức về quản lý tài chính hiệu quả. Cần lập danh sách, kế hoạch cho những khoản chi nào cần thiết như ăn uống, sinh hoạt sau đó đến sử dụng cho mục tiêu khác. Khoản tiết kiệm nên là khoản chi cho ưu tiên số hai. Sau khi đã có khoản tích lũy, cá nhân cần có phương hướng trong việc đầu tư để tạo nguồn thu nhập thụ động dựa theo từng mức độ hiểu biết về dòng tiền và kiến thức tài chính của mình.
Muốn có nguồn tài chính ổn định thì cần tạo ra nhiều hơn hai nguồn thu trở lên. Trường hợp nếu bị đột ngột mất đi một nguồn thu nhập sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống.
Những câu chuyện thực tế và cách vận dụng nguyên tắc trong xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân sẽ được chuyên gia phân tích chi tiết tại chuyên đề "Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả" phát sóng trên nền tảng eBox, diễn ra từ ngày 29-31/3.
Trong mỗi buổi, độc giả có thể tìm hiểu cách sử dụng các công cụ và kỹ năng cần thiết để quản lý tài chính cá nhân, từ tìm kiếm các nguồn thu nhập đến giảm thiểu các chi phí không cần thiết và đầu tư một cách thông minh. Người tham gia có thể đặt câu hỏi trực tiếp và nhận tư vấn từ các chuyên gia trong buổi livestreaming Q&A.
Mức giá ưu đãi 159.000 đồng đang được áp dụng với 300 người đăng ký sớm nhất trước khi chuyển sang mức giá cao hơn kể từ ngày 14/3.
Đăng ký vé ưu đãi eBox tại đây. |
Quế Anh