Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, giám đốc, người sáng lập Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, tới năm 2019, độ che phủ của rừng ở Việt Nam là 41,85% nhưng chất lượng rừng là một vấn đề đáng bàn.
- Bà có thể chia sẻ về thực trạng rừng phòng hộ Việt Nam hiện nay?
- Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp công bố cuối năm 2019, cả nước có 14,45 triệu ha rừng, tương đương độ che phủ 41,85%. Đây là con số thoạt nhìn thì đáng mừng. Vì những năm 1945, diện tích rừng của chúng ta chỉ chiếm 45% tổng diện tích và cứ thế bị giảm dần. Đến 1999, diện tích rừng bị thu hẹp chỉ còn khoảng 33%. Lúc đó nhà nước bắt đầu có chính sách kịp thời để trồng rừng và khôi phục lại rừng, từ đó diện tích rừng tăng dần lên.
Độ che phủ của rừng ở Việt Nam 41,85% vào năm 2019 là cao so với thế giới nhưng xét về chất lượng rừng là câu chuyện đáng bàn. Những năm 1945, đa số là rừng tự nhiên. Còn trong tổng số hơn 14 triệu ha rừng hiện nay, rừng đặc dụng chỉ có 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ là 4,6 triệu ha, còn hơn nửa là rừng sản xuất.
Các khu rừng rừng đặc dụng, phòng hộ phân bố đều các tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam với 54/63 tỉnh thành có các khu rừng đặc dụng và 59/63 tỉnh có rừng phòng hộ. Tuy nhiên, tỷ lệ và chất lượng rừng tự nhiên rất thấp.
Ví dụ vườn quốc gia Bến En ở tỉnh Thanh Hóa trước năm 1992 vốn thuộc lâm trường Như Xuân, bị khai thác kiệt quệ hết các cây gỗ, tài nguyên động thực vật. Năm 1992, vườn quốc gia Bến En được thành lập, nhà nước bắt đầu có chương trình về trồng rừng, đầu tiên trồng cây keo và nhiều loại cây khác để làm giàu lại khu rừng. Sau 30 năm, hiện nay ở Bến En vẫn có khoảng 3.000 ha rừng rất nghèo nàn, chủ yếu chỉ là những cây tre trúc, bụi rậm.
- Việc suy giảm chất lượng rừng phòng hộ gây ra những tác động gì?
- Hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ giữ vai trò quan trọng phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh, góp phần quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chất lượng rừng giảm sút sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Đầu tiên, các tác hại của thiên tai mạnh hơn. Năm nào Việt Nam cũng hứng chịu nhiều thiên tai, từ Bắc vào Nam. Ở miền núi phía Bắc là các vụ sạt lở, lũ quét. Ở miền Trung là những cơn bão làm tốc nhà. Ở miền Nam là xâm nhập mặn, sạt lở ven sông, biển. Những thiệt hại về tính mạng và tài sản là hậu quả ngay trước mắt mọi người nhìn thấy được. Sau đó là năng suất nông nghiệp suy giảm.
Về lâu dài, mất rừng ảnh hưởng tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Rừng là nơi sinh sống của các động vật hoang dã, khi diện tích và chất lượng rừng bị mất thì nguy cơ các loài động vật lớn bị tuyệt chủng. Hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 350 loài động vật được ghi danh trong Sách Đỏ Việt Nam là những loài bị đe dọa tuyệt chủng và cần phải bảo vệ. Vào năm 2010, chúng ta đã mất tê giác. Hổ, gấu, báo hoa mai hiện cũng rất hiếm.
- Vậy cần có biện pháp gì để bảo vệ rừng, các loài thiên nhiên?
- Hội nghị Bảo tồn Đa dạng Sinh học quốc tế tại Colombia năm 2017 thống nhất trồng rừng là một giải pháp các quốc gia nên thực hiện. Tùy vào các cấp, chúng ta có thể làm các phần việc khác nhau.
Hoạt động trồng rừng nên được thực hiện đồng bộ từ chính phủ trở xuống. Tổng cục Lâm nghiệp cũng như các ngành, các cấp đang có các chiến lược để tăng độ che phủ của rừng. Đồng thời mỗi người dân sống ở khu vực có rừng cũng cần có ý thức để bảo vệ rừng, làm sao giảm thiểu tối đa các tác động của mình đến rừng, tránh làm giảm diện tích rừng. Mỗi cá nhân dù sống ở đô thị hay bất cứ nơi nào đều có thể chung tay trồng rừng. Phải có những giải pháp đồng bộ về trồng rừng mới có thể khắc phục những vấn nạn về thiên nhiên.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần lưu ý về hoạt động tiêu dùng sao cho thân thiện với thiên nhiên môi trường.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng các giải pháp về giáo dục truyền thông. Điều này rất quan trọng. Muốn tạo ra thế hệ phát triển bền vững với môi trường, chúng ta cần bắt đầu ngay bây giờ, giáo dục từ các em nhỏ, đặc biệt là khu vực thành thị - vốn thường bị lơ là.
- Vì sao người dân thành thị cần đặc biệt quan tâm đối với việc bảo vệ, trồng cây gây rừng?
- Nhiều người ở đô thị nghĩ rằng việc mất rừng là ở đâu xa xôi, không liên quan gì đến mình nhưng thực ra, khi rừng phòng hộ biến mất thì chất lượng cuộc sống của người dân thành thị cũng bị ảnh hưởng. Vì khi rừng phòng hộ biến mất sẽ ảnh hưởng tới cân bằng sinh thái, chất lượng không khí, năng suất nông nghiệp, mùa vụ của người dân ở khu vực đó và ảnh hưởng tới nguồn nước.
Nguồn nước của các đô thị đa số đến từ các khu rừng phòng hộ ở đâu đó. Chẳng hạn, người dân TP HCM dùng nước từ hồ Dầu Tiếng, hồ thủy điện Trị An. Các khu rừng như vườn quốc gia Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hay các khu rừng phòng hộ quanh đó chính là nguồn giữ nước cho người TP HCM sử dụng. Khi các khu rừng phòng hộ bị ảnh hưởng sẽ tác động đến chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thường có chất lượng không khí đáng báo động, do giao thông quá nhiều, hoạt động kinh tế phát triển ồ ạt. Khi có rừng, rừng sẽ hấp thụ giúp giảm nồng độ bụi và chất độc trong không khí. Rừng phòng hộ xung quanh thành phố hay cây xanh trong thành phố đều có tác dụng cải thiện không khí rất nhiều. Vì thế, cần trồng thêm nhiều cây xanh trong đô thị. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh trong đô thị rất thấp, ở TP HCM chỉ đạt 0,5 m2/người, trong khi tại Singapore là 25 m2/người.
Việc bảo vệ rừng phòng hộ là của tất cả mọi người và người dân ở đô thị cũng có thể tham gia được. Đơn cử như ngày 18/8, Jun Phạm, MC Quang Bảo đã đến Thanh Hóa cùng học sinh, giáo viên trường THCS Thị trấn Bến Sung, Thanh Hóa trồng 5.000 cây gỗ lớn tại Vườn quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa. Đây là hoạt động trồng rừng do Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp cùng Vườn quốc gia Bến En và nhãn hàng OMO tổ chức, nhằm phục hồi, làm giàu rừng, góp phần tạo nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài động vật quý hiếm như: bò tót, voọc xám, vượn đen má trắng, mang Roosevelt... Nếu không thể trực tiếp đến trồng cây, mỗi người có thể đóng góp mầm xanh khi truy cập website của chương trình.
Từ việc chung tay trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên các khu rừng phòng hộ ở rất xa, đến trồng cây trong thành phố, là bạn đã tạo một lớp áo giáp bảo vệ cho cuộc sống của mình.
Hoàng Anh