Hợp chất polyme có tác dụng thay đổi cấu trúc của nCoV, làm suy yếu khả năng lây lan, sau đó tấn công vào vỏ bọc và phá vỡ chúng.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Technion chia sẻ ngày 17/5, chất khử trùng hiện tại được sử dụng phòng lây nhiễm nCoV chủ yếu là thuốc tẩy gia dụng chứa hypochlorite. Phương pháp này nhược điểm là bay hơi nhanh và dễ bị phá vỡ khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc tia cực tím. Do đó, hiệu quả bị hạn chế và ngắn hạn, cần phải khử trùng liên tục các bề mặt nhiều lần trong ngày.
Theo nhóm nghiên cứu Technion, công nghệ mới của họ đem lại hiệu quả lâu dài, bền vững hơn so với những chất tẩy trùng hiện nay.
"Vật liệu khử trùng mà chúng tôi phát triển sẽ giúp thay đổi cục diện trong phòng chống nCoV", giáo sư Shady Farah, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Bởi, theo nhóm, lây nhiễm nCoV từ các bề mặt là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt ở những nơi công cộng như bệnh viện, nhà máy, trường học, trung tâm mua sắm và giao thông công cộng. Chất khử trùng từ polyme sẽ giúp những nơi này trở nên an toàn hơn.
Hiện nhóm nghiên cứu đã được Viện Nghiên cứu Sáng tạo và Công nghệ châu Âu (EIT) tài trợ để đẩy nhanh sản xuất chất khử trùng, đưa vào thị trường trong thời gian sớm nhất.
Technion cho biết chi phí sản xuất chất khử trùng mới dự kiến không cao, bởi các nguyên liệu có sẵn, rẻ.
Theo một nghiên cứu được công bố trên The Journal of Hospital Infection, nCoV có thể tồn tại trên các bề mặt 9 ngày, nguy cơ lây lan nếu không được khử trùng. Các hợp chất khử trùng bền vững được kỳ vọng sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng.
Tính đến ngày 20/5, thế giới ghi nhận hơn 324.000 người chết do nCoV trong gần 5 triệu ca nhiễm. Mỹ, Nga, Tây Ban Nha là ba vùng dịch lớn nhất hiện nay. Các nước châu Á cơ bản khống chế được số ca nhiễm và tử vong. Tuy nhiên, các nước này vẫn đối mặt nguy cơ các đợt lây nhiễm mới khi nới phong tỏa và nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Lê Cầm (Theo Jerusalem Post, Tân Hoa Xã)