![]() |
Những đứa trẻ dị dạng vì bị nhiễm dioxin. (newint) |
Mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, bình yên của các nạn nhân Việt Nam được phản ánh một cách rõ nét qua các bài tham luận.
Những nạn nhân chất độc da cam dù trực tiếp hay gián tiếp đều chịu những bệnh tật có trong danh mục do Viện Hàn lâm Y học Mỹ công bố về những bệnh tật do dioxin gây ra. Sự tổn thất về kinh tế, tinh thần và tình cảm của những gia đình nạn nhân không thể tính hết được. Nhiều nhà bán hết tài sản để chữa chạy cho chồng, con, cháu. Tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức, các gia đình đình có thể chịu đựng và tìm cách vượt qua. Nhưng những nỗi đau về đời sống tinh thần thì vượt quá sức chịu đựng của họ. Biết bao phụ nữ phải đau khổ, dằn vặt vì họ không được hưởng cái quyền làm mẹ, không được đón đứa con chào đời.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường về hơn 200 gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam thì có đến 290 trường hợp trẻ khuyết tật bẩm sinh, 32 trường hợp đẻ chết non và chết ngay sau sinh, 18 trường hợp chết lưu và số sảy thai là 56. Có gia đình đẻ chết non và sinh quái thai tới 10 lần, sảy thai 3 lần. Đã có không ít người vợ chết đi sống lại vì mỗi lần sinh là một lần quái thai. Có những người bố người mẹ nuốt nước mắt để chăm sóc những đứa con sinh ra đã vô tri vô giác.
Con số các nạn nhân chất độc hóa học độc hại nhất chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số 4,8 triệu người. Theo bà Susan Hammond, Phó chủ tịch Quỹ hòa giải và phát triển, nhiều nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam đã không còn sống nữa, song những nạn nhân ở thế hệ thứ 3 mới đang xuất hiện, môi trường còn nhiều độc tố, điều đó có nghĩa sẽ có nhiều người còn bị nhiễm độc. Vậy nhưng các nạn nhân da cam Việt Nam đã bị quên lãng quá lâu. Và như bà Merle Ratner, người phụ nữ Mỹ tham gia vào phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở VN từ năm 13 tuổi là là người sáng lập cuộc vận động cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đã nói: "Những người sống sót từ cuộc chiến tranh hóa học do Chính phủ Mỹ gây nên đã chờ đợi công lý quá lâu - hơn 30 năm. Nếu hệ thống pháp lý không thể đem lại công bằng thì nhân dân Mỹ sẽ làm điều đó".
Và cũng với mong muốn đem lại sự công bằng và cuộc sống bình yên cho các nạn nhân mà hơn 140 đại biểu đến từ 11 quốc gia đã đưa ra những bằng chứng cho thấy chất độc dioxin đã để lại hậu quả nặng nề lên môi trường và con người Việt Nam. Những nhu cầu cấp thiết, cụ thể của các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Các nhà khoa học hy vọng rằng với những thông tin này sẽ phần nào giúp cho tòa án Mỹ được hiểu rõ thực tế để có những phán quyết hợp tình hợp lý.
Ngày mai Hội nghị sẽ kết thúc. Các đại biểu sẽ cùng viết một bức thư bày tỏ sự chia sẻ và ủng hộ các nạn nhân trong vụ kiện dioxin. Bản kết luận của hội nghị và bức thư này sẽ được gửi đến tòa án phúc thẩm Mỹ, nơi tiếp nhận đơn kháng án của các nạn nhân chất độc da cam kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ đã sản xuất chất gây độc trong chiến tranh tại Việt Nam.
Trịnh Vũ