Tiến sĩ Trần Xuân Thu |
Trong vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra các chất độc để quân đội Mỹ sử dụng ở miền nam Việt Nam, ông Weinstein- thẩm phán tòa án Brooklyn (New York) đã phán quyết rằng: chất độc da cam, cũng như các chất xanh lá cây, tím, hồng, xanh da trời và trắng không phải là chất độc nên đã bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam. Đây là một phán quyết phi lý không công bằng và không bình thường.
Chất độc da cam, tím, hồng, xanh lá cây là các chất độc chiến tranh vì nó chứa những chất vô cùng độc hại là 2, 4, 5 T và dioxin. Chất độc da cam là một hỗn hợp theo tỷ lệ 50/50 của hai chất 2, 4 D và 2, 4, 5 T. Chất 2, 4, 5 T là chất đã được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để diệt cỏ dại ở các nước kinh tế phát triển từ những thập kỷ 30, 40 của thế kỷ 20. Vì vậy 2, 4, 5 T đã được gọi là chất diệt cỏ. Mỹ đã sử dụng những thành tựu khoa học này vào mục đích quân sự.
Ngay từ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã cung cấp ngân sách và giao cho Hội đồng khoa học quốc gia tìm hóa chất phá hoại mùa màng của Nhật Bản. Kết quả là hai chất 2, 4 D và 2, 4, 5 T đã được thử nghiệm. Tuy vậy, tình hình lúc đó chưa cho phép Chính phủ Mỹ sử dụng. Tiếp sau đó, dự án Agile của cơ quan nghiên cứu nâng cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (ARPA) đã nghiên cứu phát triển các chất diệt cỏ này thành một vũ khí quân sự (J.M. Stellman, đại học Colombia, Mỹ), một ý tưởng được gợi ý bởi những thành công của người Anh dùng 2, 4, 5 T để phá hủy nguồn lương thực chống quân du kích Malaysia. Ở Việt Nam, 2, 4, 5 T đã được sử dụng với liều lượng gấp 15-30 lần, thậm chí hơn nữa so với liều lượng sử dụng trong nông nghiệp.
Vào những năm 1948-1949, sự cố xảy ra ở nhà máy sản xuất 2, 4, 5 T của Công ty Monsanto, một trong những công ty sản xuất khối lượng lớn nhất chất độc được Mỹ sử dụng ở miền nam Việt Nam, người ta đã phát hiện 228 công nhân bị nhiễm độc, trong đó có 121 người bị bệnh Chloracne.
Vào đầu năm 1964, sự nhiễm độc hàng loạt công nhân xuất hiện ở nhà máy của công ty Dow Chemical khi nhu cầu chất da cam cho chiến tranh ở Việt Nam tăng vọt, công ty đã phải thay đổi công nghệ nhiều lần, làm cho hàm lượng tạp chất dioxin tăng vọt đến 2.000 ppm. Người ta đã phát hiện được 61 trường hợp bị nhiễm độc, trong đó có 49 người mắc bệnh chloracne.
Tháng 2/1967, 5.000 nhà khoa học Mỹ, trong đó có 17 người được giải thưởng Nobel và 129 viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ John Esso, Trường đại học Havard, đã ký kiến nghị trình lên tổng thống L.Johnson đề nghị Chính phủ Mỹ ngừng ngay việc sử dụng chất diệt cỏ tại Việt Nam vì tác hại của nó đến sức khỏe của con người và sinh thái môi trường Việt Nam. Do đó, ngày 15/4/1970, Liên bộ Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục và An ninh nội chính Mỹ đã phải ra quyết định ngừng sử dụng 2, 4, 5 T trong nông nghiệp, còn Bộ Quốc phòng đã ra lệnh ngừng sử dụng 2, 4, 5 T trong quân sự. Như vậy, ngay từ những năm 1948, 1949 người ta đã phát hiện sự độc hại đến sức khỏe con người của chất độc 2, 4, 5 T, đến mức độ năm 1970, chính quyền Mỹ đã phải ra lệnh cấm sử dụng chúng trong nông nghiệp và quân sự.
Trong các chất độc chính được sử dụng ở miền nam Việt Nam, các chất da cam, chất xanh da trời và chất trắng là chất độc, vì chúng chứa các chất rất độc hại:
- Trong chất da cam có chứa chất dioxin - một chất vào loại độc nhất mà loài người đã tổng hợp được.
- Trong chất xanh có chứa thành phần rất độc hại là chất arsenic (thạch tín).
- Trong chất trắng có chứa tạp chất hữu cơ độc hại và bền vững là chất hexa clorobenzen.
Trong các chất độc da cam, tím, hồng, xanh lá cây có chứa tạp chất dioxin.
Dioxin là chất độc hại mà nhiều chất độc quân sự có trong trang bị của các cường quốc quân sự như yperit, tabun, sarin không thể so sánh. Yperit đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai, chất độc sarin là chất mà giáo phái Aum đã sử dụng trong đường xe điện ngầm Tokyo, Nhật Bản.
Liều gây chết đối với khỉ (LD50) của dioxin là 70 ppb (phần tỷ gram), trong khi đó liều chết của sarin là 83, của tabun là 208. Liều chết 70 ppb đối với khỉ có nghĩa là 1 gram dioxin là 14 triệu liều chết. Đối với người, liều chết sẽ còn nhỏ hơn.
Chỉ một gram đã là 14 triệu liều chết thì 600 kg dioxin Mỹ đã rải xuống miền nam Việt Nam là một số liều chết vô cùng lớn. Phải chăng đây không phải là chất độc có tác hại đối với sức khỏe con người so với các loại chất độc cụ thể nằm trong sự so sánh của ông Weinstein như yperit (mù tạt)?
Dioxin là chất rất độc, cho nên liều lượng tối đa cho phép của chúng đối với người tiếp xúc là rất nhỏ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định liều cho phép của dioxin là 1-4 phần nghìn tỷ gram cho một kg trọng lượng cơ thể trong một ngày đêm, và một người có trọng lượng là 50 kg thì liều cho phép một ngày đêm tối đa là 50-200 phần nghìn tỷ gram. Mỹ còn đánh giá dioxin độc hại lớn hơn nên liều cho phép của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) là 0,006 pg, nhỏ hơn 160 lần so với liều cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.
Dioxin rất bền vững trong môi trường. Các nhà khoa học thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về độ bền vững của dioxin. Độ bền vững đã được xác định theo chu kỳ bán hủy (thời gian dioxin tự phân hủy một nửa khối lượng). Chu kỳ bán hủy của dioxin trong đất là rất lâu, theo D.Pautenbach (1992) và R.Puri (1989, 1990), trên lớp đất bề mặt dao động từ 9 đến 25 năm, còn ở các lớp đất sâu hơn: 25-100 năm.
Chu kỳ bán hủy trong cơ thể con người còn có nhiều tranh cãi, theo Hội nghị quốc tế tại TP Hồ Chí Minh năm 1983, là 5-7 năm, theo GS Xéc-tơ, người bị nhiễm độc sau 35 năm còn phát hiện thấy dioxin.
Dioxin rất bền vững trong môi trường và con người, kết hợp với đặc trưng tác hại của dioxin có tính chất cộng hợp, nên dù ở nồng độ thấp hay cao dioxin đều có tác hại. Ở nồng độ 1 ppt (phần nghìn tỷ gram) đã có tác động đến thai nghén, ở nồng độ 5 ppt có thể gây ung thư và đến 50-70 ppb (phần tỷ gram) có thể chết người.
Các quan điểm nêu trên cho thấy hiệu quả tác hại của dioxin phụ thuộc vào nồng độ và thời gian, nếu nồng độ thấp thì thời gian dài và ngược lại.
Viện Hàn lâm khoa học Mỹ đã chấp nhận có ít nhất 13 bệnh liên quan đến dioxin. Nhiều nhà khoa học thế giới và nhiều hội nghị quốc tế đều khẳng định tính độc hại của chất da cam/dioxin, thực tiễn Việt Nam với độ tồn lưu dioxin cao ở nhiều nơi là cơ sở kho tàng cũ của Mỹ với hàng triệu nạn nhân đang sống một cuộc sống cực khổ vì bệnh tật, đói nghèo và bức xúc về tinh thần do tiếp xúc với da cam/dioxin, lẽ nào ông Weinsstein lại không được biết?
Do yêu cầu chiến tranh của Chính phủ Mỹ và mục đích lợi nhuận tối đa của các công ty hóa chất Mỹ, nên tốc độ sản xuất chóng mặt chất da cam đã làm hàm lượng dioxin trong da cam ở những năm đầu 60 của thế kỷ trước là rất cao và mức trung bình là 13 ppm (phần triệu gram) còn có thể lên tới 240 và 2.000 ppm.
Như vậy, chất độc da cam/dioxin là chất độc chiến tranh, không thể nói da cam tách khỏi 2, 4, 5 T và dioxin, vì đây là một hỗn hợp của nhiều chất xác định, khác hoàn toàn các chất sử dụng trong nông nghiệp về liều lượng, tỷ lệ thành phần các chất, hàm lượng dioxin và do đó là chất độc vô cùng nguy hại.
(Theo Nhân Dân)