Hôm qua, RT đưa tin nghị sĩ đối lập của Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Nhà nước Hồi giáo (IS) đã tiến hành nhập nguyên liệu cần thiết để sản xuất chất độc thần kinh sarin, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh hóa học. Trước đây, sarin từng được sử dụng trong vụ khủng bố ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1995 và cuộc tấn công vào thủ đô Damascus (Syria) tháng 9/2013. Liên Hiệp Quốc xếp sarin vào danh sách vũ khí hủy diệt hàng loạt và cấm sản xuất, tích trữ chất này từ năm 1993 theo Hiệp định Vũ khí Hóa học.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ (CDC), sarin hay GB là chất độc thần kinh nhân tạo cực mạnh, vốn được phát triển ở Đức năm 1938 như một loại thuốc trừ sâu. Ở dạng lỏng, nó trong suốt, không màu, không vị, không mùi. Sarin là loại chất độc ổn định nhất bởi dễ dàng bốc hơi thành khí rồi phát tán ra môi trường.
Sarin tấn công con người qua tiếp xúc với da, mắt, hơi thở ở dạng khí hoặc qua đường ăn uống nếu được trộn với nước, thức ăn ở thể lỏng. Quần áo nhiễm sarin cũng có thể gây ngộ độc. Chất này ở dạng hơi nặng hơn không khí nên sẽ chìm xuống khiến các vùng thấp dễ bị ảnh hưởng.
Cơ chế hoạt động và gây hại của sarin tương tự các loại thuốc trừ sâu nhưng nguy hiểm hơn. Nó ngăn chặn loại enzim có tác dụng như "công tắc tắt" của cơ thể khiến các tuyến và cơ bắp liên tục bị kích thích. Kết quả là nạn nhân trở nên khó chịu, mệt mỏi và không còn giữ được hơi thở.
Mức độ ngộ độc sarin tùy thuộc vào lượng chất và thời gian tiếp xúc. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định sarin mạnh hơn xyanua 26 lần và chỉ vài giọt cũng đủ giết người. Thông thường, sau khi nhiễm độc vài giây, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như sổ mũi, chảy nước mắt, chảy nước dãi, buồn nôn/nôn và/hoặc đau bụng, tiểu tiện khó kiểm soát. Nặng hơn, nạn nhân có thể bị mất ý thức, co giật, tê liệt và thậm chí suy hô hấp dẫn đến tử vong trong vòng 1-10 phút. Nếu vượt qua 20 phút đầu tiên, khả năng sống sót là tương đối cao.
Trong trường hợp bị ngộ độc, nạn nhân cần tránh xa khỏi vùng nhiễm sarin ngay lập tức, cởi bỏ quần áo, rửa sạch cơ thể bằng nước và xà phòng nhanh nhất có thể rồi nhờ sự trợ giúp y tế. Lưu ý nếu nuốt phải sarin, tuyệt đối không cố nôn hoặc uống thêm nước. CDC cho biết hiện nay đã có thuốc giải độc sarin.
Minh Nguyên