Nam thanh niên chạy xe máy lượn nhiều vòng trong hẻm sâu đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh, TP HCM). Khoảng 10 phút sau anh ta tấp vào nhà của Trần Văn Bùi (39 tuổi) mua 2 kg chất tạo nạc Salbutamol. Lập tức, nhiều trinh sát Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49 - Bộ Công an ập đến bắt quả tang.
Nhà chức trách tìm thấy thùng nhựa sau nhà vệ sinh chứa 17,5 kg bột màu trắng nghi là chất tạo nạc. Cạnh đó có nhiều hóa chất, chai nhựa, nhãn mác không có hạn sử dụng và phụ gia để sản xuất thuốc dành cho nuôi trồng thủy sản.
"Ba lần chúng tôi suýt mất dấu người mua chất cấm do họ giao dịch rất cẩn trọng, tinh vi. Bùi lúc đầu cho rằng số hoá chất đó mua ở chợ Kim Biên, không gây hại", một cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nói. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy chất bột màu trắng chứa tới 98% thành phần là Salbutamol (có chứa chất gây ung thư).
Ông Bùi là giám đốc công ty thủy sản E- Birds chuyên kinh doanh chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.
Ngoài việc bắt giữ buôn bán Salbutamol xảy ra hồi cuối năm 2015, đã có hàng loạt thực phẩm chứa chất cấm, sử dụng kháng sinh vượt liều lượng bị phát hiện. Trong đó, những món ăn thường xuyên được sử dụng hằng ngày như thịt, rau, măng, cá, tôm... đều bị “tẩm độc”.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cũng kiểm tra đột xuất các vùng chăn nuôi ở Đồng Nai phát hiện 14 hộ dân trộn Salbutamol vào cám cho đàn heo. Hay nhiều công ty ở Hải Dương, Bắc Giang sản xuất thức ăn chăn nuôi có trộn Salbutamol và chất vàng ô (Auramine O). Mới đây, nhiều mẫu phân tích cho thấy măng chua, dưa muối ở Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Trị bị người bán trộn chất vàng ô với liều lượng lớn.
Salbutamol thuộc nhóm Beta – Agonists, nằm trong danh mục cấm buôn bán, sử dụng trong chăn nuôi. Nó làm giãn cơ cuống phổi, tử cung... Tác động của Salbutamol rất nặng nề đối với người sử dụng, gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ, tim mạch.
Chất vàng ô chủ yếu nhập từ Trung Quốc, được sử dụng cho sản xuất giấy, nhuộm. Chất này vừa qua đã được phát hiện trong măng chua, dưa muối. Khi chất vàng ô tồn dư trong thức ăn sẽ gây ra ngộ độc cấp tính cho con người như méo miệng, phù nề. Nghiêm trọng hơn có thể gây liệt cơ, rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, tăng huyết áp và nguy cơ sẩy thai. Cả hai chất này đều có khả năng khiến người tiêu dùng mắc bệnh ung thư.
Hiện, Việt Nam cho phép sử dụng hơn 40 hóa chất, kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) với mục đích kích thích tăng trưởng; trong đó khoảng 20 loại được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, người tiêu dùng đang đối mặt với thực phẩm chứa tồn dư chất kháng sinh cao, nhất là những vật nuôi như heo, gà, cá, tôm...
Tồn dư theo thực phẩm "bẩn" tuồn vào cơ thể qua đường ăn uống. Điều này khiến các loại kháng sinh cho con người mất tác dụng khi điều trị, suy giảm miễn dịch, con người ốm yếu, gây ung thư.
Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, so với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là rất khó. Bởi chất cấm chỉ có vài loại, còn kháng sinh có tới hàng chục loại được lưu hành trên thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản - còn cho rằng việc sử dụng chất cấm, kháng sinh đã ở mức báo động. Do sợ tôm, cá chết, người nuôi đã tự mua kháng sinh "thẳng tay" đổ xuống ao. Kháng sinh sẽ tồn dư trong vật nuôi rồi đến bữa ăn của người tiêu dùng. Người nuôi sau 1-2 vụ cũng thất bát vì tôm cá suy yếu hệ miễn dịch nên dễ bệnh.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Vũ Văn Tám cho biết ngành sẽ phối hợp với các lực lượng khác ngăn chặn việc sử dụng chất cấm, thuốc kháng sinh. Ông hứa đến hết tháng 6 năm nay sẽ xử lý cho được tình trạng sử dụng chất salbutamol trong chăn nuôi và chất vàng ô trong thực phẩm.
"Mục tiêu của ngành nông nghiệp là cuối năm nay sẽ dẹp hết các nguồn của thực phẩm bẩn, gồm chất cấm trong chăn nuôi và việc sử dụng kháng sinh không đúng mục đích", đại diện Bộ Nông nghiệp khẳng định.
Ông Tám cũng cho hay, các quy định gây cản trở việc phát hiện, xử lý thực phẩm bẩn trước đây đều được tháo dỡ để mạnh tay xử lý. Ngành nông nghiệp sẽ kiểm tra đột xuất thay vì theo kế hoạch và có báo trước - vốn không hiệu quả.
Nếu phát hiện vật nuôi nhiễm chất cấm, lực lượng chức năng được phép tiêu hủy ngay. Từ 1/7 tới, các hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Năm 2015, lực lượng Cảnh sát Môi trường (C49) phối hợp với Thanh tra bộ Nông nghiệp đã phát hiện, triệt phá được 3.365 vụ liên quan đến Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ra quyết định xử phạt hành chính hơn 2.400 vụ, thu nộp ngân sách gần 17 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là đợt ra quân dịp cận Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng đã triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sản xuất và sử dụng chất cấm lớn. Tình trạng sử dụng chất cấm xuất hiện ở mọi loại thực phẩm và hầu khắp các tỉnh thành. Thống kê của Bộ Nông nghiệp chỉ rõ, năm 2015, Tiền Giang phát hiện 25 mẫu dương tính Salbutamol. Tây Ninh, Bình Dương, Bến Tre lần lượt có 2-3-4 trường hợp. Tại Vĩnh Long, tuy chỉ phát hiện một trường hợp sử dụng Salbutamol nhưng hàm lượng lên đến 3.160 ppb, so với mức cho phép là 50 ppb. Theo Hội Ung thư Việt Nam, năm 2000 nước ta có khoảng 60.000 ca ung thư, đến 2015 đã có hơn 150.000 trường hợp mắc bệnh này. Dự đoán, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 người bị ung thư, có thể cao nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 35% |
Duy Trần