5 paraben được bổ sung vào danh mục cấm dùng trong mỹ phẩm gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7.
Trước đó, đã có rất nhiều tranh luận về nguy cơ gây ung thư, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản nam giới của các paraben. Năm 2004, một nghiên cứu của Anh đã tìm thấy paraben trong mẫu sinh thiết các khối u vú. Tuy nhiên, nghiên cứu này có những thiếu sót về phương pháp luận và điều này cũng được nhóm tác giả thừa nhận.
Ngoài ra, bản cập nhật về các chất sử dụng trong mỹ phẩm cũng quy định Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid); dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid). Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được chỉ phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/6/2016.
Hỗn hợp các chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) chỉ được sử dụng theo tỷ lệ nhất định. Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.
Paraben là chất kháng khuẩn và kháng nấm, được dùng làm chất bảo quản để ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn và hạn chế sự phân hủy của các hoạt chất dẫn đến giảm hiệu quả thuốc, mỹ phẩm. Methylisothiazolinone là chất tạo bọt. Hai chất này được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng da, kem đánh răng, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu và nhiều sản phẩm dùng cho trẻ em như khăn ướt, sữa tắm…
Hà An