Hà Linh -
Nhà văn Charles Dickens. |
Trong cuốn sách mới của mình Hunted down: The Detective Stories of Charles Dickens, Peter Haining đã cung cấp cho độc giả những hình ảnh về Charles Dickens với tư cách là một nhà văn trinh thám qua những truyện ngắn hoặc các trích đoạn tiểu thuyết của ông.
Giống với người bạn của mình là Wilkie Collins [ 1], Dickens thường bị cuốn hút vào những vụ án nguy hiểm và công việc điều tra của các cảnh sát. Đặc biệt là từ khi một chi nhánh của Sở chỉ huy cảnh sát Lon don được thành lập năm 1842. Ông lặng lẽ quan sát cuộc sống trong các khu phố, theo đuôi các điều tra viên xuống hiện trường, tận mắt chứng kiến những vụ trọng tội. Dưới ngòi bút lão luyện và trí tưởng tượng phong phú của Dickens, rất nhiều chi tiết của các vụ án có thực cùng với chân dung của các thám tử đã được ông đưa vào trong cả truyện ngắn và tiểu thuyết của mình.
Nhà văn thường xuyên có mặt tại các phiên toà diễn ra ở London. Hơn thế, ông còn tham dự những buổi thi hành án các tử tù, điển hình như vụ treo cổ Frederick và Maria Manning vào 13/11/1849. Theo Haining, lúc bấy giờ, Dickens đã thuê một mái nhà ở ngay gần đó để ông và các bạn có thể mục kích vụ xử tử một cách "đã mắt". Nhưng cùng ngày hôm đó, nhà văn viết một bức thư gửi tới ông chủ bút tờ The Times miêu tả về cái mà ông gọi là "quanh cảnh chẳng lấy gì làm đẹp mắt tại các buổi thi hành án công khai".
Mặc dù, sự say mê đối với đề tài trinh thám của Dickens được thể hiện ngay từ The Pickwick Papers (Di cảo của câu lạc bộ Pickwick) [ 2] và một số bài báo viết từ thời trẻ của nhà văn, nhưng phải đến 1850, ông mới ghi được tên tuổi của mình vào danh sách các tác giả văn học trinh thám với một số truyện ngắn và tiểu thuyết cụ thể.
Nhân vật thám tử đầu tiên được miêu tả trên những trang văn của Dickens là chân dung Nadgett - người xuất hiện trong series truyện Martin Chuzzlewit (1843-1844). "Lùn tịt, già nua, nhăn nheo, còm cõi" - ngài thám tử của Dickens hoàn toàn khác xa với những anh bạn đồng nghiệp hào hoa, phong nhã trong những tiểu thuyết trinh thám pha quá nhiều chất lãng mạn về sau. Nhưng thành công nhất của Dickens có lẽ là nhân vật thanh tra Bucket trong Bleak House (Ngôi nhà lạnh lẽo). Không chỉ thế, nhân vật bà Bucket còn được coi là một trong những nữ thám tử nghiệp dư đầu tiên trong văn học hiện đại, báo hiệu sự ra đời của Miss Marple - "quý cô có thiên tư thám tử bẩm sinh" của Agatha Christie.
Trong tác phẩm của mình, Dickens thường không sử dụng nghệ thuật đòn bẩy - nghĩa là ông không miêu tả một cách đối lập hình ảnh những nhân viên cảnh sát mẫn cán nhưng ngu dốt, trái ngược với trí tuệ thông minh, sáng láng của nhân vật thám tử. Mặc dù, đây là một bút pháp khá quen thuộc trong các tác phẩm viết về đề tài trinh thám.
Những truyện ngắn đưa tên tuổi của Dickens gia nhập đội ngũ các nhà văn trinh thám phần lớn được gợi hứng từ những vụ án có thực. Trong đó có vụ án của Thomas Griffiths Wainewright, người đã đầu độc chị dâu của mình vào năm 1830 để thừa hưởng toàn bộ khoản tiền bảo hiểm. Dickens viết cho tờ New York Ledger. Tác phẩm được in nhiều kỳ từ 20/8 đến 3/9/1859. Haining cho rằng, truyện ngắn này đã khiến khá nhiều tiểu thuyết gia hiện đại phải ngả mũ, nhưng theo ông thì nó không được thành công bằng những mẩu truyện của Conan Doyle.
Tác phẩm trinh thám xuất sắc của Dickens có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng và còn dang dở của ông The Mystery of Edwin Drood, xuất bản năm 1870. Theo Haining, nếu Dickens kịp hoàn thành cuốn tiểu thuyết này, nó hoàn toàn có thể sánh ngang hàng The Moonstone của Wilkie Collins. Tác phẩm đã được T. S. Eliot đánh giá là "truyện trinh thám sớm nhất, dài nhất và hay nhất".
Nhưng dù còn dang dở thì những đóng góp của Charles Dickens đối với sự hình thành và phát triển của thể loại văn học trinh thám vẫn là điều đáng được các nhà nghiên cứu ghi nhận.
(Nguồn: Timesonline)