Năm học này là năm thứ hai chương trình và sách giáo khoa mới áp dụng với bậc THCS (lớp 6 và 7). Ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học không tách riêng như trước mà tích hợp chung trong một môn, gọi là Khoa học tự nhiên. Tương tự với Lịch sử, Địa lý, môn học tích hợp có tên Lịch sử - Địa lý.
Cô Mai, giáo viên Vật lý tại Hà Nội, được giao dạy Khoa học tự nhiên lớp 7. Việc giáo viên đơn môn phải dạy tích hợp hiện tạo ra nhiều khó khăn.
Dù đã được tập huấn theo chương trình gồm 36 tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo 15 năm kinh nghiệm này đánh giá "vẫn không ăn thua". "Chương trình Hóa, Sinh lớp 7 chủ yếu vẫn ở mức nhận biết, thông hiểu, nhưng trình độ của giáo viên không thể dừng lại ở mức này. Một lần nói sai thì còn xin lỗi trò, nhưng không thể cứ mắc lỗi nhiều lần. Vì thế mà tập huấn xong tôi vẫn thấy không đủ", cô Mai nói.
Theo Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, khi giải quyết một vấn đề thực tiễn, học sinh cần kiến thức tổng hợp nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Mặt khác, kho tàng kiến thức của nhân loại ngày càng tăng, dạy tích hợp giúp học sinh rút ngắn quá trình tổng hợp, góp phần "giảm tải" chương trình, tránh trùng lặp kiến thức. Đây cũng là giải pháp mà các nước có nền giáo dục tiên tiến đã đưa ra từ hàng chục năm nay.
Để hỗ trợ các giáo viên tích hợp, hàng tuần, trường cô Mai tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Các giáo viên chia sẻ vướng mắc, sau đó đồng nghiệp chuyên về từng môn học sẽ giải đáp, tư vấn. "Tôi sẽ hỗ trợ các đồng nghiệp môn Lý, rồi lại được chia sẻ về cách dạy, các bài tập môn Hóa, Sinh", cô Mai kể.
Mỗi tối, khối lượng công việc cô Mai phải giải quyết nhiều gấp ba lần. Trước đây, cô chỉ cần soạn giáo án, chuẩn bị trước bài giảng Vật lý - môn học mà cô đã được đào tạo đại học và 15 năm đứng lớp, nên "làm nhanh và tự tin". Còn hiện tại, bên cạnh soạn giáo án, cô Mai phải đọc thêm tài liệu mỗi tối, xin tư vấn từ đồng nghiệp để cải thiện kiến thức Hóa, Sinh.
Theo cô Mai, giáo viên được đào tạo theo hướng chuyên môn hóa, nhưng giờ lại phải trở thành người "tay ngang" để dạy thêm hai môn. "Việc này khiến chúng tôi mất tự tin khi đứng trên bục giảng", cô nói và cho rằng khi giáo viên không tự tin về kiến thức mình có, học sinh - những người thụ hưởng, sẽ bị ảnh hưởng trong việc tiếp nhận.
"Một giáo viên không hiểu sâu môn học khó có thể khơi gợi cảm hứng cho học trò, giúp đỡ khi các em gặp vướng mắc, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh ưu tú. Kiến thức tích hợp lớp 6, 7 còn chưa phức tạp nhưng đến lớp 8, 9 chuyên sâu thì liệu còn ai dám nhận dạy tích hợp?", cô đặt câu hỏi.
Đây cũng là lo lắng của cô Vân, hiệu trưởng một trường THCS ở nội thành Hà Nội. "Chương trình lớp 8, 9 có yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cao hơn hẳn. Chưa kể, lớp 9 còn thi chuyển cấp, nhiều em định hướng thi chuyên nên sẽ có nhu cầu học giáo viên có chuyên môn sâu", cô Vân nói.
Nữ hiệu trưởng đánh giá việc dạy tích hợp giúp giáo viên tiếp cận với kiến thức các môn học mới, có nhiều cơ hội học hỏi, giao lưu với đồng nghiệp hơn trước. Dù vậy, việc dạy tích hợp cũng đặt giáo viên "vào thế khó", bởi "không thể dạy sâu, kỹ bằng những người được đào tạo chính quy".
Hiện, trường cô Vân tổ chức dạy tích hợp với môn Khoa học tự nhiên, còn Lịch - Địa lý dạy song song, nghĩa là phân công hai giáo viên Sử, Địa dạy đúng phần chuyên môn của mình. "Giáo viên nào dạy môn nấy" là cách làm nhiều trường đang áp dụng.
Cô Hương, giáo viên Hóa tại Hà Nam, đang dạy ba khối 6, 7, 8. Hoạt động chuyên môn của cô Hương không bị xáo trộn quá nhiều, bởi cô vẫn đảm nhận phần Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên 6, 7. Chẳng hạn, với bộ sách Cánh Diều 6 mà trường đang sử dụng, chủ đề 1 và 2 là giới thiệu về khoa học tự nhiên, các phép đo sẽ do giáo viên Vật lý đảm nhận, do thiên về Vật lý. Cô Hương sẽ dạy chủ đề 3: các thể của chất, oxy và không khí. Cách làm này đã được trường cô Hương áp dụng từ năm ngoái.
Môn Khoa học tự nhiên có 4 tiết mỗi tuần. Do chia người dạy theo từng bài, có tuần cô Hương không có tiết, nhưng cũng có tuần dạy cả 4 tiết ở một lớp. Trường cũng phải thay thời khóa biểu mỗi tuần để cân đối số tiết của các giáo viên. Do đó, cô thường rơi vào tình trạng "nhớ nhớ quên quên" do mỗi tuần lại một lịch mới.
Với Lịch sử, Địa lý, việc phân bổ thời khóa biểu có phần "dễ thở" hơn, vì sách thiết kế nội dung hai môn riêng biệt. Cô Thủy, giáo viên tại ngoại thành Hà Nội, cũng đang dạy riêng phần Lịch sử 7. Với các bài chủ đề chung, cô và các giáo viên trong tổ sẽ họp để phân công người dạy. Thông thường, buổi họp này diễn ra từ đầu học kỳ để giáo viên có đủ thời gian chuẩn bị. "Hiện, tôi chưa thấy quá khó khăn do số lượng bài chung phải dạy chưa nhiều. Nhưng các năm sau, tôi nghĩ việc giáo viên dạy tích hợp là bắt buộc, vì chắc các trường cũng không đủ giáo viên để chia người dạy từng phần trong cùng một môn", cô Thủy nói.
Tại trường của hiệu trưởng Vân, năm học 2022-2023, số giáo viên tích hợp còn thiếu là 3. Trong hai năm tới khi chương trình mới triển khai với lớp 8 và 9, con số này dự kiến tăng gấp đôi.
Trong báo cáo thiếu giáo viên, nhiều địa phương nhắc đến giáo viên dạy môn tích hợp theo chương trình mới. Năm 2019, Đại học Sư phạm 2 được thí điểm tuyển 50 sinh viên ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, lấy điểm chuẩn 24, nhưng không có thí sinh nào nhập học. Trường cũng dừng tuyển sinh ngành này từ năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Chủ nhiệm khoa Sư phạm, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết việc tuyển sinh Sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý còn khó khăn do đây là hai ngành mới, ít người biết. Dù vậy, ông Thành đánh giá "đã có những dấu hiệu tích cực". Trường này bắt đầu tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên từ năm 2019, chỉ tiêu 80. Một năm sau, trường mở ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý, chỉ tiêu 60. Số thí sinh đăng ký, điểm chuẩn của hai ngành này có xu hướng tăng từ đó tới nay.
Tuy nhiên, phải đến 2023, lứa sinh viên Sư phạm Khoa học tự nhiên đầu tiên mới tốt nghiệp, số lượng vài chục người, như "muối bỏ bể" với nhân lực cả nước đang cần. Do đó, PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho rằng cần ưu tiên bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa sẵn có.
Cuối tháng 7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hai quyết định về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Giáo viên có thể theo học chương trình này ở các trường có khoa sư phạm. Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng. Sau khi hoàn thành chương trình, người học sẽ được cấp chứng chỉ bồi dưỡng.
Ngoài ra, nhiều trường và địa phương chủ động phối hợp với các trường sư phạm, tổ chức tập huấn thêm cho giáo viên. "Hiện, chúng tôi đang tham gia bồi dưỡng chương trình mới cho giáo viên tại Hưng Yên", ông Thành nói.
Đây cũng là cách làm được tỉnh Nghệ An áp dụng. Hai năm nay, tỉnh đã phối hợp với Đại học Sư phạm Vinh, Học viện Quản lý Giáo dục để bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đánh giá không nên chỉ trông đợi và phụ thuộc vào đội ngũ sắp tốt nghiệp, bởi số lượng không nhiều, chưa kể tuyển dụng ồ ạt có thể gây ra thừa cục bộ.
"Trước kia, giáo viên tiếng Nga cũng được tập huấn, học thêm để dạy tiếng Anh. Tương tự, giáo viên đơn môn cũng cần tập huấn, bồi dưỡng và hỗ trợ để có thể dạy tích hợp. Đây còn là bài toán sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, không thể loại họ ra rồi lại nói thiếu giáo viên", ông Thái Văn Thành chia sẻ.
Dù đang cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, triển khai chương trình mới, các nhà giáo đều cho rằng việc dạy tích hợp giai đoạn này chưa thể đạt hiệu quả như mong muốn.
"Chúng tôi gọi vui đây là giai đoạn quá độ, học sinh lớp 6, 7 phải bắt nhịp với lượng kiến thức lớn, trong khi nền tảng từ tiểu học lại là chương trình cũ nên khó khăn khi tiếp cận; giáo viên thì vừa thiếu, lại đang tự mày mò, học hỏi", hiệu trưởng Vân nói. Cô cho rằng cần thêm 2-4 năm nữa, tình trạng chắp vá khi dạy tích hợp mới được khắc phục, giáo viên cũng quen với vai trò chuyên môn mới và tự tin dạy hơn.
* Tên một số giáo viên đã được thay đổi.
Thanh Hằng