"Tôi vừa nhận việc ở công ty mới và họ cần người ngay", Khoa, 33 tuổi, nói. Anh nghỉ việc ở một công ty truyền thông, chuyển sang doanh nghiệp lữ hành quốc tế với mức lương cao gấp rưỡi, chế độ phúc lợi tốt hơn.
"Thưởng Tết quan trọng nhưng không nên là lý do khiến mình bỏ lỡ cơ hội phát triển", anh nói.
Kiều Trang, 24 tuổi, cũng mới nộp đơn nghỉ việc từ giữa tháng 11. Hơn 2,5 năm làm tại công ty trong ngành Influencer Marketing ở Hà Nội không mang lại cho cô thu nhập như kỳ vọng.
Dẫu vậy, quyết định nghỉ việc của cô không được gia đình và bạn bè ủng hộ. Họ lo lắng về khả năng tìm việc khác trong giai đoạn cuối năm và việc mất khoản thưởng Tết đáng kể. Trang đã tốn khá nhiều thời gian thuyết phục bố mẹ bằng các kế hoạch rõ ràng cho giai đoạn sắp tới.
Đến hẹn lại lên, chủ đề "nghỉ việc cuối năm" lại thu hút nhiều ý kiến trên các nền tảng mạng xã hội. Trên nền tảng Threads, mạng xã hội thường chia sẻ nội dung công việc của giới trẻ Việt, bài viết của tài khoản Nhật Vy làm trong ngành sáng tạo nội dung thu hút 58.000 lượt xem; bài viết của Ngọc Quang, làm trong ngành quay phim quảng cáo thu hút 32.000 lượt xem, hay như bài viết của Kiều Trang cũng thu hút gần 20.000 lượt xem.
Ý kiến chia thành hai luồng: chờ nhận thưởng Tết hay nghỉ việc ngay. Nhiều người cho biết đã từ bỏ các mức thưởng cuối năm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng vì các lý do môi trường làm việc độc hại, căng thẳng hay tìm được cơ hội mới tốt hơn.
Theo ông Bùi Đoàn Chung, chuyên gia tuyển dụng và sáng lập Nghề nhân sự Việt Nam, thưởng Tết luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Dù không được pháp luật quy định, từ lâu việc thưởng Tết đã trở thành truyền thống, thể hiện sự ghi nhận và sẻ chia của doanh nghiệp với nhân viên sau một năm. Đây cũng là cách để gắn kết và khuyến khích lòng trung thành trong tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh Tết là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt.
Báo cáo về lương thưởng năm 2024 của công ty tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp Navigos Group cho thấy lương tháng thứ 13 hay thưởng Tết là phúc lợi được người lao động quan tâm nhất. Nó cũng chiếm vị trí thứ 8 trong các yếu tố tác động đến nghỉ việc (nhảy việc) và thứ 4 khi đi tìm việc mới.
Nghỉ việc vốn là một quyết định cá nhân, song hành động vào thời điểm trước Tết lại trở thành vấn đề gây tranh cãi, bị can ngăn. Hơn 20 năm làm nghề, ông Chung cho biết đã tiếp xúc hàng trăm trường hợp không thể quyết định được đi hay ở ảnh hưởng của khoản thưởng Tết quá lớn.
Tuy nhiên, với thế hệ Gen Z, việc nghỉ việc/ nhảy việc được quyết định bởi nhiều lý do và thưởng Tết đôi khi không đủ sức níu chân họ. Các yếu tố khác như cơ hội phát triển, văn hóa doanh nghiệp, thậm chí các lý do cảm xúc được coi trọng hơn.
"Khi người lao động chấp nhận bỏ qua thưởng Tết, nghĩa là họ đã nhìn thấy tiềm năng lớn hơn dù đó là ngắn hạn hay dài hạn, vật chất hay phi vật chất", ông Chung nhấn mạnh.
Quan điểm về nhảy việc cuối năm cũng thay đổi theo từng độ tuổi. Trước lúc kết hôn, Nam Anh, 31 tuổi, kỹ sư IT cho một tập đoàn công nghệ ở Hà Nội, thường xuyên nhảy việc kể cả sát Tết. Anh xem mức lương cao ở công ty mới là sự bù đắp của khoản thưởng đã mất.
Năm nay Nam Anh lại muốn nghỉ việc bởi không hào hứng với các dự án đang làm. Tuy nhiên, anh phân vân và quyết định ở lại. "Giờ có gia đình rồi, thu nhập là yếu tố tiên quyết khi tôi nghỉ việc", anh nói.
Những năm trước đi làm thuê, Duy Luân, 31 tuổi, ở TP HCM cũng nhảy việc bất kể thời điểm. Anh quan niệm thưởng là thứ có thì tốt, không có cũng không sao. "Khi thỏa thuận lương, tôi đã cố gắng đạt được mức khiến mình hài lòng nên chỉ cần nhận đủ lương và lợi ích theo thỏa thuận là được", Luân giải thích.
Ngoài ra, thưởng còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty, thứ mà anh không thể kiểm soát được, nên sẽ không đặt kỳ vọng.
Nhưng khoản thưởng Tết 2021 đã khiến Duy Luân thay đổi. Lần đầu tiên sau 7 năm đi làm, anh nhận được 130 triệu đồng. "Lần đầu tiên tôi biết đến một cảm giác hạnh phúc khó nói thành lời và có chút tiếc nuối các năm trước đã nghỉ việc trước Tết", Luân nói.
Đang quản lý công ty riêng về xử lý dữ liệu, Luân cho rằng nhảy việc/nghỉ việc trước Tết không nên là một quyết định cảm xúc. Đầu tiên, hãy kiểm tra tình hình tài chính của mình. Nếu tài chính thoải mái, có thể nghỉ và đừng quên tìm sẵn việc mới. Hoặc nếu biết chắc công ty sẽ không thưởng Tết hay mức thưởng ít, không đáng với những mệt mỏi phải chịu, có thể nghỉ ngay.
Còn nếu tài chính không rộng rãi, có thể cố gắng thêm một chút, bởi dù sao đó cũng là một khoản để bạn chi tiêu Tết. "Khi nghỉ, hãy cân nhắc thêm cả yếu tố đã có người thay thế cho vị trí công việc của mình chưa", CEO công ty về dữ liệu nói.
Thay vì phán xét hay áp đặt quan điểm, chuyên gia nhân sự Bùi Đoàn Chung khuyên mọi người (gia đình, bạn bè) nên tôn trọng quyết định của những lao động này. Chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ tình hình và biết mình cần làm gì. Hơn nữa, với nguồn thông tin dồi dào về tình hình doanh nghiệp và thị trường, người lao động hiện nay hoàn toàn có thể dự đoán được mức thưởng của mình, giúp họ tự tin hơn trong việc đưa ra lựa chọn.
Trước khi nghỉ việc, Kiều Trang đã chuẩn bị đủ tiền sinh hoạt cho ít nhất ba tháng. Những ngày qua, cô tập trung hoàn toàn vào ba dự án freelance đã làm trước đó. Các công việc này cũng cho cô một nguồn thu nhập. "Mình nghĩ đây là cơ hội để thử sức phát triển theo hướng freelance. Nếu không ổn, qua Tết mình sẽ tìm việc mới", cô gái nói.
Còn Đăng Khoa tiết lộ không "mất trắng" khoản thưởng Tết ở công ty cũ, bởi đây là một trong những lợi thế khi anh đàm phán lương và các chế độ phúc lợi với công ty mới.
"Tôi từ bỏ thưởng Tết như một nghĩa cử đáp lại công ty đã 10 năm gắn bó", anh nói. "Việc nhận thưởng Tết rồi nghỉ với tôi như hành động vô ơn".
Phan Dương