- Vì chuyện pha sữa cho con, tôi không muốn nhìn mặt cả nhà chồng
Tâm sự "Vì chuyện pha sữa cho con, tôi không muốn nhìn mặt cả nhà chồng" nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả với hơn 400 bình luận. Sau đây là những chia sẻ nổi bật về trải nghiệm của các độc giả.
Đừng bắt người khác phải chăm con mình theo ý mình
Đọc tâm sự của tác giả, mình như sống lại khoảng thời gian khủng hoảng sau sinh khi sinh bé đầu tiên cách đây 10 năm. Vì chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên mình cứ bê nguyên lý thuyết tìm hiểu trên sách, báo, mạng và không cho phép bản thân được sai lệch (nước pha sữa phải đun sôi 100 độ rồi để nguội đến 70 độ, sữa mẹ vắt ra phải hâm nóng bằng nước 40 độ...). Nếu ai không làm đúng, mình cũng rất khó chịu.
Nhưng sau khi sinh tập hai, mình mới nhận ra tập một vì mình quá lo lắng và thiếu kinh nghiệm nên mới trở nên cứng nhắc như vậy. Tập hai mình đã bớt nguyên tắc đi rất nhiều và thấy chăm con nhẹ nhàng hơn hẳn, kiểu như nước pha sữa ấm là được, không cần lấy nhiệt kế ra đo. Bên cạnh đó, con mình thì mình chăm, đừng gắt gỏng và bắt người khác phải chăm con cùng mình và theo ý mình. Nếu muốn nhờ người khác chăm, phải nghĩ trong đầu: có người chăm hộ là tốt rồi đừng đòi hỏi, còn thích theo ý mình thì tự chăm. Đó là những gì mình rút ra sau 10 năm làm mẹ. (ngocminhminh2210)

Minh họa: AI
Suýt ly hôn vì căng thẳng sau sinh con
Mình có hai đứa con, tính cũng kỹ giống tác giả. Sinh xong đứa đầu, mình hơi bị depressed, mọi thứ phải làm đúng từng chi tiết. Cơ bản, hai vợ chồng không còn mặn nồng như lúc chưa có con, đến mức độ muốn ly dị cho xong. Sau đó vợ chồng cùng ngồi xuống nói cho hết những gì trong lòng, tại sao mình nói và cư xử vậy, mục tiêu là giúp chồng hiểu phụ nữ sau sinh có nhiều áp lực và thay đổi về thể trạng, tâm lý, hy vọng chồng hiểu, mong muốn chồng làm gì giúp mình. Chồng thương mình sẽ ráng thay đổi theo (đàn ông thích ứng với việc có con chậm hơn phụ nữ, mình thấy vậy). Bản thân bạn cũng phải điều tiết lại, lắng nghe chồng nói và muốn gì từ mình. Nếu hết thương thì giải thoát cho nhau. Cả hai nói chuyện khi tâm trạng bình tĩnh. Vợ chồng mình nói chuyện mỗi tuần, đến lúc đứa đầu được hơn một tuổi, hên sao quan hệ tốt lên được chút nên giờ có thêm đứa thứ hai. (Bonnie)

Minh họa: AI
Người chồng thương vợ con sẽ tự biết cách chăm sóc
Mình nhớ hồi xưa sinh ở bệnh viện năm ngày mới về. Những ngày đó, chồng mình thức trắng đêm canh chừng pha sữa. Chỉ có ban ngày bà ngoại canh thì anh chợp mắt một hai tiếng thôi. Mà nghe con ọ ẹ là choàng tỉnh liền. Mình đi vệ sinh, anh dắt vào rồi... đứng ngay cạnh. Mẹ mình hoảng luôn, kêu: "Con ra đi, ở trong chịu gì nổi. Xong rồi vô dắt nó ra cũng được mà". Anh bảo: "Vợ con còn yếu, đứng luôn cho chắc. Lỡ ra rồi có chuyện gì thì ân hận mẹ ơi". Đàn ông thương vợ thương con sẽ tự động chăm sóc thôi chứ còn đợi ai dạy nữa. (Minh Phương)
Chấp nhận lấy người kém hơn về kinh tế để họ nghe lời
Tôi gặp một số trường hợp như tác giả rồi. Lúc lấy chồng thì nghĩ "thôi, cứ hiền lành là được, người ta không có tiền nhưng hiền, mình có thu nhập tốt hơn, chồng sẽ nghe theo ý mình, mình có tiếng nói", nhưng khi lấy về không được như vậy lại thất vọng. Tất nhiên, cũng có những chị chịu lấy chồng kém hơn bản thân về mặt kinh tế và sau khi lấy nhau về, chồng nghe chị hết, coi như chị được toại nguyện theo ý mình. Nhưng đây đã chịu thiệt về kinh tế, trong cuộc sống chồng còn không theo ý mình, vô tâm thì các chị càng thất vọng thêm nhiều lần.
Đàn ông cũng vậy thôi, nhiều anh chấp nhận vợ lương thấp, chỉ bảy tới tám triệu đồng mỗi tháng ở đất Hà Nội. Số tiền đó chỉ đủ nuôi bản thân người vợ, nhưng đổi ngược lại chị vợ phải lo việc nhà nhiều hơn, nội trợ nhiều hơn. Phụ nữ cứ thử lương vừa thấp vừa không làm việc nhà xem, chồng có bực không. Trong hôn nhân, đàn ông hay phụ nữ cũng vậy thôi, đã kém về mặt kinh tế thì phải có các mặt khác bù vào. (Đinh Vũ Quỳnh Dương)