Joe Kasper, chánh văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, ngày 24/4 nói với Washington Post rằng ông tự nguyện từ chức và sẽ trở thành nhân viên chính phủ đặc biệt, tập trung vào mảng khoa học, công nghệ và công nghiệp.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, nhân viên chính phủ đặc biệt là "người đang hoặc dự kiến làm việc cho chính phủ 130 ngày trong một năm". Đây là chức danh là tỷ phú Elon Musk đang sử dụng trong thời gian làm việc tại Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE).
Kasper đã thảo luận về quyết định này với các đồng nghiệp trong nhiều tuần qua. Bộ trưởng Hegseth dường như đã ám chỉ tới điều này trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 22/4, nói rằng Kasper là "người Mỹ vĩ đại" và "chắc chắn không bị sa thải".

Joe Kasper, chánh văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Lầu Năm Góc
Kasper là quan chức quốc phòng thứ năm rời Lầu Năm Góc gần đây giữa lúc cuộc điều tra về rò rỉ thông tin nội bộ trong cơ quan này đang diễn ra. Dan Caldwell, cố vấn cấp cao của Bộ trưởng Hegseth, ngày 15/4 bị áp giải khỏi trụ sở và đình chỉ công tác, sau khi bị cáo buộc có hành vi "tiết lộ thông tin trái phép".
Lầu Năm Góc cũng cách chức hai quan chức gồm phó chánh văn phòng Darin Selnick và Colin Carroll, chánh văn phòng của Thứ trưởng Quốc phòng Steve Feinberg. Lầu Năm Góc cho biết John Ullyot, từng giữ chức phát ngôn viên của cơ quan này, đã được yêu cầu từ chức.
Darin Selnick, Dan Caldwell và Colin Carroll trong tuyên bố chung ngày 20/4 nói rằng Lầu Năm Góc "vu khống về nhân cách của chúng tôi bằng những lời chỉ trích vô căn cứ".
Những vấn đề nội bộ ở Lầu Năm Góc xuất hiện khi Bộ trưởng Hegseth đang đối mặt với bê bối mới, trong đó ông được cho là sử dụng ứng dụng nhắn tin Signal để thảo luận về kế hoạch không kích Houthi của chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 3 với vợ và những người thân cận trước khi nó được thực hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại Nhà Trắng ngày 24/4. Ảnh: AP
Thùy Lâm (Theo AFP, Newsweek, Washington Post)