Với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, núi Mẫu Sơn ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, là địa điểm lý tưởng cho sự sinh trưởng của các loại cây đặc sản, trong đó có chanh rừng. Loài quả này nhỏ hơn chanh thông thường, khi chín vỏ màu vàng, ăn cả vỏ thì ngọt, bùi và thơm, nếu bỏ vỏ ăn lõi thì hơi chua.
Chanh rừng ngâm muối hoặc mật ong có tác dụng chống viêm họng, ho. Cũng do vị thơm nên mỗi gia đình người Dao ở Cao Lộc đều có một lọ chanh rừng ngâm ớt để làm nước chấm. Do có giá trị kinh tế cao, người dân Mẫu Sơn đã ươm trồng chanh rừng, thay vì để mọc tự nhiên như trước kia.
Gia đình ông Dương Dì Mình (xã Công Sơn) có khoảng 1.000 gốc chanh rừng đang vào mùa chín rộ. Từ ngày được thu hái, ông Mình hôm nào cũng đi xe máy vượt gần 5 km đường dốc đá lởm chởm từ nhà ra đến đường nhựa rồi xuống chợ bán. Ngày cuối tháng 8, sáng sớm ông tranh thủ ở nhà hái, gần trưa chở lên chợ Đồng Đăng bán hơn 50 kg chanh rừng.
Thu hái chanh rừng không đơn giản vì chiều cao trung bình của cây trưởng thành là 3 mét. Thân cây thẳng, lá nhỏ, có nhiều gai, cành nhánh nhỏ. Bà Hoàng Pham, vợ ông Mình cùng con trai phải lấy thang kê vào gốc cây rồi dùng 2 đoạn tre dài, cứng, chắc chắn đặt lên thang và thân cây rồi trèo lên đó đứng hái. Trong tay bà luôn sẵn chiếc móc sắt tự chế để kéo những cành phía xa lại gần.
“Nhà tôi thu chanh rừng được một tháng rồi, hai mẹ con cứ tự thu để bố nó mang đi bán, toàn mang xuống chợ thôi, đi chợ Bản Ngà, chợ Lộc Bình, chợ thành phố hay mang lên cửa khẩu cũng bán được. Năm nay chanh không sai quả bằng mọi năm nhưng mà chín cây nhiều, không hái nhanh quả vàng rụng hết”, bà Pham đứng vắt vẻo trên cây chanh nói vọng xuống.
Vườn chanh của vợ chồng bà Pham trồng từ năm 1997, sau khoảng 5-7 năm thì đơm hoa và đậu quả. Những bông hoa chanh rừng màu trắng, nhỏ xíu nở từ gốc đến ngọn và nở gối vụ thu hoạch. Thời gian chanh rừng chín rộ vào tháng 5 đến tháng 10 dương lịch. Cây trưởng thành có thể cho thu hoạch khoảng 30-40 kg quả mỗi vụ. Người trồng thường thu hái quả khi còn xanh vỏ đem về bán hoặc ngâm với măng ớt chỉ thiên vì quả xanh sử dụng tốt hơn và được ưa thích hơn những quả đã chín vàng.
Chia sẻ về cách trồng chanh rừng, ông Dương Dì Quang ở xã Công Sơn cho biết, chỉ cần lấy hạt chanh về ươm rồi trồng xuống đất, cũng không cần chăm sóc nhiều, cây tự lớn là chính. Mỗi năm người trồng chải phải phải phát quang quanh gốc chanh. Trồng chanh rừng không tốn công chăm bón lại mang về hiệu quả kinh tế nên nhiều gia đình thích trồng loại cây này.
Giá chanh rừng đầu vụ cao nhất là 70.000 đồng/kg, trung bình là khoảng 40.000-50.000 đồng/kg (cao gấp đôi chanh thường). Chanh khi ngâm được người Dao trên Mẫu Sơn bán với giá 70.000-80.000 đồng/lọ một lít.
Ông Triệu Trần Lừu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn, cho biết chính quyền khuyến khích người dân phát triển chanh rừng, hàng năm đều phân bổ hạt xuống các thôn để người dân ươm trồng. Nhờ có cây chanh rừng, mỗi vụ thu hoạch, người Dao ở Mẫu Sơn có thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Hồng Vân