Sáng 6/11, báo cáo kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) và khóa XIV (2016-2021), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản mà các nghị quyết của Quốc hội đề ra. Một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.
Nhiều tòa án địa phương đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp tổ chức các "Phiên tòa mẫu", "Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm"... Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành hai Thông tư quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa. Tòa án nhân dân tối cao đề ra 14 giải pháp để nâng cao chất lượng công tác xét xử.
"Chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại án tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra", ông Bình nói.
Chánh án cũng cho hay, trong xét xử án hình sự, "chưa phát hiện trường hợp kết án oan"; thực hiện nghiêm, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được xét xử nghiêm minh như: vụ án ông Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan ngân hàng...
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2015 đến 30/9, các tòa án thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; giải quyết dứt điểm 15 trường hợp. Các tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, cho biết từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến năm 2020, Quốc hội không có nghị quyết riêng về giám sát chuyên đề với VKSND. Nhưng trong 5 nghị quyết về giám sát của Quốc hội có 5 nhóm nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm của cơ quan này. Đó là chống oan sai trong truy tố và thực hiện tốt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra và truy tố để hạn chế mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; truy tố kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; hoàn thiện quy trình truy tố tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em; ban hành thông tư liên tịch về công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Thời gian qua, ngành kiểm sát đã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và giải quyết yêu cầu bồi thường; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Qua đó, Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án. Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự; trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án; hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật.
"Kết quả công tác kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm việc khởi tố vụ án, bắt, tạm giữ, tạm giam và điều tra đúng pháp luật; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm và oan, sai", ông Trí khẳng định.
Cũng theo ông Trí, ngành Kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố gần 2.900 bị can; hủy hơn 1.100 quyết định khởi tố bị can và 138 quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ điều tra thiếu căn cứ, trái pháp luật. "Tiến độ, chất lượng giải quyết án của Viện kiểm sát đều đạt 99,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội", ông nói.
Từ năm 2016 đến nay, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ trả hồ sơ năm 2018 là 3,02%, năm 2020 còn 2,7%. Toàn ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị; phối hợp với các cơ quan tố tụng kịp thời điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh nhiều vụ án xâm phạm đất đai được dư luận xã hội quan tâm. Đơn cử như vụ Nguyễn Thành Tài, vụ Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hồ Chí Minh; vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Đà Nẵng...
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, thời gian qua Chính phủ xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên dành thời gian thích đáng để chỉ đạo giải quyết. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thanh tra và kết luận, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn.
"Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo", lãnh đạo Chính phủ nói.
Viết Tuân - Hoàng Thùy