Đăng đàn sáng 18/11, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình đã nhận được chất vấn của 54 đại biểu, trực tiếp trả lời 30 câu hỏi. Trong đó, có nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến các vụ án Châu Thị Thu Nga, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh...
Bà Châu Thị Thu Nga khai "chi tiền cho hai mục đích"
Đề cập đến vụ án Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group, ông Bình nói ngắn gọn “vụ án đã xét xử xong ở cấp sơ thẩm”, và chuyển sang nội dung khác.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ngắt lời và đề nghị Chánh án giải trình về việc "có thông tin cho rằng tại phiên toà bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng toà không cho khai; cần nói rõ cho người dân hiểu".
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, trong quá trình tranh tụng tại toà, khi báo chí nêu có việc HĐXX không cho khai, có vẻ giấu giếm điều gì..., Toà án tối cao đã ngay lập tức yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xét xử và yêu cầu Chủ toạ phiên toà báo cáo; gặp luật sư để làm rõ.
"Phòng xét xử diễn ra bình thường, không xảy ra sự cố kỹ thuật. Trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của bị cáo Nga và các bên liên quan. Việc chủ toạ phiên toà dừng việc không cho khai tiếp do vụ án này tách ra là được phép", ông Bình nói.
Ông Bình cho hay, thực tế đã có nhiều vụ án được tách như vụ án Ngân hàng Xây dựng tách làm 3; Ngân hàng Đại Dương xử một phần. Trong phiên toà, khi tình tiết mới xuất hiện thì trách nhiệm HĐXX phải thẩm vấn, nhưng do vụ án đã tách ra nên HĐXX được phép không cần đề cập tới vụ án này nữa. Tương tự vụ án OceanBank, trong lần xét xử thứ nhất, nội dung liên quan khoản 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí đã làm rõ, nên lần xét xử thứ 2 không đề cập tới nội dung này
"Việc không đề cập tới nội dung vụ án đã được tách ra là bình tường, không khác biệt", ông Bình khẳng định.
Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho biết thêm, lời khai của bị cáo Châu Thị Thu Nga nằm trong hồ sơ vụ án, "không có gì giấu giếm".
Theo đó, bà Nga đã khai việc chi tiền nhằm 2 mục đích, đó là chi cho Hội đồng bầu cử địa phương để có tên trong danh sách ứng cử viên và chi giải quyết báo chí viết về bằng tiến sĩ giả của bà Nga trong thời điểm bầu cử; chi cho mục đích thứ nhất 2 phần, mục đích 2 là một phần.
Lời khai của bà Nga cũng nêu, bà này biết một doanh nhân kinh doanh vàng có quan hệ rộng tại Hà Nội và chủ động gặp, đưa tiền cho vị này nhiều lần tại các quán cà phê khác nhau, thời điểm khác nhau. Việc đưa tiền chỉ 2 người biết và không có chữ ký. Tại phiên đối chất, vị này phủ nhận và nói "có quen biết Nga nhưng không nhận tiền, không quen ai ở Hà Nội, không làm việc đó".
"Với tình tiết này toà tách án là cần thiết, toà không thể làm rõ tình tiết này tại toà. Bằng các giải pháp khác nhau của cơ quan điều tra thì sẽ làm rõ ở một phiên toà khác về tình tiết này. Ở đây không có gì mờ ám cả", Chánh án Toà tối cao nói.
Trước đó trong phiên toà xét xử đầu tháng 10/2017, bị cáo Châu Thị Thu Nga 2 lần xin được khai báo về khoản tiền 1,5 triệu USD đã dùng để "chạy" vào Quốc hội trước toà nhưng hai lần chủ toạ từ chối. Lần đầu chủ toạ nhắc luật sư "nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án" và lần sau mời luật sư về chỗ.
4 bài học từ vụ án Hà Văn Thắm
Trả lời chất vấn của đại biểu về "bài học kinh nghiệm nào trong xét xử vụ Hà Văn Thắm", ông Nguyễn Hoà Bình nói tuy chưa tổng kết nhưng dư luận đánh giá đây là vụ án minh bạch, tranh tụng đến cùng, rất nghiêm khắc và có bản án phân hoá tội phạm.
Theo ông, có bốn bài học từ vụ án này. Thứ nhất là xác định chính xác tội danh, tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất đã trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố tội tham nhũng.
Thứ 2 là tranh tụng trong vụ án công khai, không hạn chế. Thứ 3 là có sự phân hoá, nghiêm khắc với người cầm đầu nhưng cũng mở đường cho người làm công ăn lương.
Từ sau 2013, các thẩm phán rất ngại cho án treo đối vụ án kinh tế, tham nhũng, nhưng vụ kinh tế lớn này Hội đồng thẩm phán đã tuyên 34 người được hưởng án treo, đây là những người còn trẻ, làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì và đã khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả.
"Bản án rất nghiêm khắc với người cầm đầu, nhưng rất nhân văn với những người làm công ăn lương. Đây là bản án cần thiết để phòng ngừa tội phạm nhưng cũng mở đường cho họ trong thời gian tới", ông Bình nói.
Thứ 4 là Hội đồng xét xử làm trọn chức năng của mình, bản án cũng có nhiều kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý cán bộ...
Khởi tố thêm 3 bị can trong vụ Trịnh Xuân Thanh
Đề cập tới vụ Trịnh Xuân Thanh, ông Bình nói đầu năm nay Toà đã khởi tố bổ sung bị cáo này trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô. Cách đây 2 ngày, các cơ quan chức năng đã họp và đang điều tra theo hướng đó; ngoài Trịnh Xuân Thanh thì khởi tố bổ sung 3 bị can khác.
Vào chiều 15/3, trong bản án tuyên với các bị cáo tại vụ án lừa bán đất cho gần 500 khách hàng ở dự án khu đô thị Thanh Hà A (Hà Nội), HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội xác định nghi can Trịnh Xuân Thanh có liên quan nên đã công bố quyết định khởi tố người này. Ông Thanh bị toà án truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tham ô tài sản.
Trước vụ án này, ông Thanh là bị can trong vụ án "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC, và tháng 9/2016 đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố.
Chốt lại phiên trả lời chất vấn của Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, lần đầu tiên trả lời chất vấn trên cương vị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hoà Bình đã "nắm chắc tình hình, thực trạng, trả lời cụ thể, rõ ràng, không né tránh những vấn đề đại biểu nêu". Tuy nhiên, vấn đề quản lý của ngành rộng, phức tạp nên vẫn có 10 ý kiến đại biểu tranh luận với Chánh án trên nghị trường.
Nhìn nhận tồn tại của ngành toà án do nguyên nhân khách quan, chủ quan, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành tiếp thu và có giải pháp đột phá, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động.
Xem diễn biến chính