"Tôi tên Lê Giang Anh, hiện làm trong mảng phát triển game. Do cần tiền để điều trị bệnh cho mẹ nên xin được bán sức và khả năng của tôi để đổi lấy một khoản vay.
Mẹ tôi bị bệnh ung thư phổi giai đoạn 4 đã hơn 2 năm. Ban đầu điều trị bằng thuốc miễn dịch có kết quả khả quan nhưng rồi hết tiền điều trị nên phải dừng thuốc được hơn 3 tháng thì bệnh trở nặng trở lại. Do đã bán hết tài sản (kể cả căn nhà ở quê) và vay mượn từ trước rồi nên tôi xin đăng bài này.
Tôi cần vay một khoản 300 triệu đồng đến một tỷ để tiếp tục điều trị cho mẹ và trả ít nợ cho vài người bạn. Tôi sẽ trả dần bằng cách làm việc cho anh chị nào cho vay".
Đó là những dòng chữ "bán thân" mà Giang Anh, 34 tuổi, ở đường Đặng Văn Ngữ, phường 10, Phú Nhuận, đăng lên trang Facebook cá nhân lúc 5h sáng 12/5.
Từ ngày mẹ bị bệnh, giấc ngủ của chàng trai trẻ được chuyển đổi từ 22 giờ và dậy 2h45'. Là một nhà phát triển game, anh tranh thủ từ giờ này tới sáng để làm việc, kiếm thêm thu nhập chữa trị cho mẹ.
Không ít người đã bất ngờ trước bài viết này, bởi Lê Giang Anh vốn là nhân vật có tên tuổi trong làng game Việt. Anh từng có 5 năm làm cho một công ty Pháp, 6 năm startup mảng game, 2 năm làm quản lý dự án tại các công ty game, công nghệ. Năm 2014, chàng trai trẻ từng nổi đình đám khi ra mắt tựa game Chiến binh CS.
Lê Giang Anh đăng bài trên vì tin vào sức lao động và khả năng trả nợ của mình. Anh cho biết có thể "đảm nhiệm 2-3 vị trí cùng lúc và làm 90-100 giờ/tuần". Ngoài ra, nhà phát triển game này cho biết mình đang có "một dự án rất tiềm năng".
"Giờ tôi không còn ngại gì nữa. Tôi phải làm tất cả vì mẹ của mình", anh chia sẻ.
Bà Bùi Thị Minh, 70 tuổi là người quan trọng nhất cuộc đời Giang Anh. Từ khi anh còn bé đã chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau. Người mẹ làm giáo viên mầm non nuôi nấng con ăn học. Sau này con lập công ty, bà cũng chạy vạy vay mượn từng đồng hỗ trợ. "Khi tôi khởi nghiệp khó khăn, mẹ đã bán cả dãy nhà trọ để giúp tôi có tiền trả lương nhân viên", người con chia sẻ.
Đầu năm 2017, Giang Anh khởi nghiệp thất bại. Anh quyết định ra Hà Nội một năm làm việc. Mẹ con gặp nhau ít đi nhưng cuộc gọi thì ngày nào cũng có. Suốt thời gian ấy, bà Minh vẫn thường động viên: "Mẹ tin con sẽ thành công".
Một sáng cuối tuần tháng 11/2017, Giang Anh nhận điện thoại của mẹ. Giọng người mẹ hiền từ của anh bữa nay run run và ấp úng. Sau vài câu bà mới nói "đi khám bác sĩ bảo có khối u phổi ác tính, đã di căn".
"Khoảnh khắc đó tôi như muốn quỵ xuống", anh kể. Đang ở công ty, anh chạy vào toilet, ngồi trong đó cố trấn tĩnh. "Thảo nào dạo này mẹ ho, mẹ sụt cân", anh nghĩ, rồi áy náy về quãng thời gian này không ở bên mẹ được nhiều.
Nghĩ đến đó, anh book vé chuyến bay sớm nhất về nhà. Giang Anh thông báo ngắn gọn cho đồng nghiệp, rồi nhanh chóng ra sân bay. Lời hứa sát cánh cùng anh em anh không thể giữ, vài dự án dang dở cũng đành bỏ lại.
Bước vào cổng, nhìn thấy dáng mẹ trước hiên, anh lao đến ôm chầm lấy mẹ. "Không sao, con về rồi", anh cố động viên. Nhưng nhìn mẹ, anh xót xa hơn khi thấy bà buồn rười rượi, người gầy rộc đi.
Ngay đầu tuần sau đó, Giang Anh đưa mẹ vào TP HCM. Anh lần mò khắp nơi để gặp được các bác sĩ đầu ngành và chuyên gia Singapore. Bác sĩ cho biết có hai phác đồ: Hoá trị hoặc áp dụng liệu pháp miễn dịch, sử dụng thuốc Keytruda, loại thuốc không có trong danh mục bảo hiểm y tế. Do khả năng đáp ứng và hiệu quả của liệu pháp hóa trị rất thấp, Giang Anh quyết định chọn liệu pháp miễn dịch, với chi phí khoảng 130 triệu đồng cho một lần truyền, mỗi lần cách nhau 3 tuần.
Thời gian đầu thuốc chưa có tác dụng, bà Minh đau không thể ngủ nằm. Những đêm trong căn phòng trọ ở quận Gò Vấp, Giang Anh thức làm thêm, thi thoảng lại quay sang xoa bóp cho mẹ, vỗ nhẹ cho mẹ ngủ. Anh còn mua một chiếc ghế tựa để mẹ ngồi ngủ cạnh mình.
Số tiền 1,3 tỷ bán nhà ở quê chỉ đủ cho 10 lần truyền. Giang Anh phải cày cuốc và vay mượn nhiều người nữa trong hơn 2 năm qua. Mỗi ngày anh chỉ ngủ 5 tiếng, dành từ 16-18 tiếng để làm việc.
Giữa năm 2018, biết Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) có chính sách cứ hai lần truyền Keytruda sẽ được tặng một lần. Giang Anh đưa mẹ ra đây điều trị. "3 tuần lại ra một lần. Đi lại rất cực, song trừ chi phí máy bay, ăn ở thì vẫn tiết kiệm được một chút", anh chia sẻ.
Hình ảnh chàng thanh niên ngồi bên mẹ xoa bóp, bế ẵm mẹ sau mỗi lần truyền để lại ấn tượng với không ít người tại đây. Nữ điều dưỡng Vũ Phương Hà, khoa Nội 4, Bệnh viện K Tân Triều chia sẻ: "Anh ấy chăm mẹ chu đáo và nhẹ nhàng đến mức cài đặt giờ, nịnh mẹ dậy ăn, uống thuốc".
Cũng theo chị Hà, phương pháp điều trị bằng thuốc Keytruda rất tốn kém, ít người có điều kiện để theo. Giang Anh đã xoay sở cho mẹ theo phương pháp này 1,5 năm. Tới tháng 5/2019 cạn tiền, đành quay về hóa trị. Đến nay, tổng số tiền điều trị của bà Minh khoảng 4 tỷ đồng.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Tấn, khoa Nội 4, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Bùi Thị Minh, chia sẻ: "Liệu pháp miễn dịch Keytruda là phát minh được giải Nobel khoa học của hai nhà khoa học Nhật và Mỹ năm 2018, mới được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Liệu pháp này có hiệu qua tốt với bệnh nhân ung thư, ít tác dụng phụ, song chi phí đắt đỏ, là gánh nặng kinh tế cho các gia đình có người thân bị ung thư muốn theo phương pháp này".
Tiếp xúc hơn một năm qua, bác sĩ Tấn nhận thấy Giang Anh là chàng trai học cao, hiểu rộng, vô cùng hiếu thảo. Bà Minh hiền lành, từng câu nói đều rất nhẹ nhàng. Khi biết Giang Anh chia sẻ câu chuyện chữa bệnh cho mẹ lên mạng, bác sĩ Tấn đã gọi điện cho Giang Anh, nói hai mẹ con cần gì anh ấy sẽ giúp.
Gần đây khối u phổi chính của bà Minh đã tăng kích thước bằng với khi phát hiện ban đầu. Sáng 14/5, kết quả từ Bệnh viện 175 trả về cho thấy bệnh trở nặng hơn. "Việc hóa trị không còn tác dụng nữa, phải thử lại phương pháp miễn dịch. Dù khó khăn, tôi quyết không từ bỏ điều trị tốt nhất cho mẹ", Giang Anh nói.
Tối 14/5, bà Minh biết chuyện con trai "bán mình cứu mẹ". Không muốn làm khổ con, bà bảo: "Đừng chữa miễn dịch, mẹ hóa trị thôi".
Giang Anh động viên: "Mẹ là mục đích sống của con. Không có mẹ con sống còn ý nghĩa gì nữa". Rồi anh ôm con trai 11 tháng đến trước mặt mẹ. Bà nhìn thấy đứa cháu bụ bẫm, giống hệt Giang Anh hồi nhỏ, hứa sẽ lạc quan như hai năm qua đã hứa với con cả trăm lần.
Sau bài đăng, Lê Giang Anh đã nhận được nhiều động viên và giúp đỡ của bạn bè, thậm chí người xa lạ. Số tiền bước đầu đã đủ để mẹ anh bước vào đợt điều trị. Anh cũng nhận được lời mời của ba công ty với cam kết "cho vay trước, làm việc sau".
Phan Dương