Phạm Trọng Thắng, quê Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nhỏ đã say mê cuốn 10 vạn câu hỏi vì sao, cũng như các chương trình khám phá thế giới hoang dã. Sau này trưởng thành, Thắng luôn ưu tiên đi du lịch mỗi khi có điều kiện.
"Sau Covid-19, mình thấy cuộc sống quá vô thường, nên quẳng gánh lo ngày mai, chỉ sống ở hiện tại", chàng trai làm kinh doanh tự do nói.
Tết 2023, Thắng quyết định dành hai năm để đi khám phá 100 quốc gia.
Chưa có nhiều kinh nghiệm độc hành, Thắng chuẩn bị cho hành trình bằng việc mua bảo hiểm du lịch và luôn tìm hiểu chỉ số an toàn, văn hóa và ẩm thực ở những địa điểm sẽ đến. Tại những nơi kém an toàn, anh chọn ở vùng có sự bảo hộ của cảnh sát và tránh đi đêm. Hành trang của Thắng là một balo 9 kg với vài bộ quần áo, thuốc men, laptop và thiết bị quay chụp.
"Trên đường đi tôi chỉ lo cùng lắm là bị cướp nên mang đồ nhỏ gọn là một cách giữ cho mình an toàn", anh nói.
Bắt đầu từ đầu tháng 4/2023 và kết thúc tháng 7/2024, Thắng đã in dấu chân lên 59 quốc gia và bốn vùng lãnh thổ, qua các nước Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Đông Á, Nam Á, châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, quốc đảo Caribe, châu Đại Dương. Anh quay về Việt Nam hai lần vào tháng 7 và 10/2023 để xin visa đi tiếp.
Tháng 4/2023, vừa đặt chân đến Brunei chàng trai chứng kiến cảnh người dân tấp nập trong quán ăn lúc 0h. Thoạt đầu, anh nghĩ người ở đây có thói quen ăn đêm, sau mới nhận ra đã đi du lịch đúng tháng lễ Ramadan. Các tín đồ Hồi giáo thường nhịn ăn uống từ lúc Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn. Họ sẽ ăn vào nửa đêm và sáng sớm để có năng lượng cho cả ngày.
Không có hàng quán nào mở cửa cho khách du lịch vào ban ngày. Và nếu ăn trước mặt họ, khách có khả năng bị coi khinh, thậm chí bị cảnh sát phạt tiền. "Tôi đã phải lén vào góc khuất để uống nước mới dám đi tiếp. Một lần quá đói, tôi phải chui vào toilet ăn chiếc bánh mì", anh kể.
Tại Tajikistan, đất nước vùng Trung Á, chàng trai lặng người trước cảnh sắc thiên nhiên "quá đỗi hùng vĩ''. Trên là những ngọn núi cao sừng sững hơn 4.000 m, dưới là dòng sông xanh ngọc bích chảy xiết.
Tuy nhiên, lúc vòng về thủ đô Dushanbe, xe của Thắng bị kẹt 20 tiếng trên cao tốc Pamir, do xảy ra một vụ sạt lở đất. Anh phải nhịn đói, khát và nhịn đi vệ sinh từ tối đến 13h hôm sau.
Tại vùng đô thị cổ Varanasi ở Ấn Độ tháng 8/2023, Thắng ngồi ăn sữa chua trong một quán nằm trên con hẻm nhỏ dẫn ra sông Hằng. Sau cơn mưa, con hẻm ngập nước, đủ loại rác thải, phân động vật và hoa cúng dâng lên. Cứ 10-15 phút có một đoàn khiêng xác đi qua con hẻm ra sông hỏa táng. Một người đàn ông kéo lê chiếc bao tải dọc con đường đó vào cửa tiệm Thắng đang ngồi. Người này cởi trần, mở bao tải, lôi ra một túi bơ đặc cho vào một nồi lớn để nấu sữa chua.
Hơi nóng bốc lên từ nồi đang sôi, cộng với thời tiết bên ngoài 40 độ C khiến người nấu sữa nhễ nhại mồ hôi, thỉnh thoảng lại rơi vài giọt xuống nồi. Mùi nồng từ các loại hương liệu thiêu xác gần đó, tiếng còi xe inh ỏi "khiến tôi có trải nghiệm ăn sữa chua ám ảnh nhất cuộc đời", Thắng kể.
Tháng 3/2024, chàng trai đặt chân đến Nam Cực. Đây là địa điểm anh háo hức nhất và đã phải đặt tour trước bốn tháng. Trên con tàu từ Ushuaia của Argentina để băng qua eo biển đáng sợ nhất thế giới Drake Passage tới Nam Cực, chàng trai bị say sóng tới mức phải gọi cơm nước phục vụ tận giường.
Bù lại, anh được tận mắt chiêm ngưỡng "nơi tận cùng của thế giới" chỉ có hai màu trắng phau của băng tuyết và xanh thẳm của đại dương. Vào buổi sáng thứ ba trong 10 ngày khám phá Nam Cực, cả đoàn xôn xao khi được thông báo phát hiện đàn cá voi lưng gù. Tất cả hành khách di chuyển xuống thuyền phao, chạy đến gần để có thể quan sát. Có khoảng 6 con cá voi lưng gù, mỗi con dài khoảng chục mét, nặng vài chục tấn, chốc chốc lại ngoi lên mặt nước hít thở và nhào lộn.
Trưởng đoàn tổ chức Polar Plunge - một nghi thức nhảy vào dòng nước băng giá để cảm nhận cái lạnh thấu xương của biển Nam Cực, sau đó mỗi người được thưởng thức một ly vodka để làm ấm người.
Hành trình 10 ngày ở Nam Cực, chàng trai Việt còn được thưởng thức thịt nướng trên boong tàu trong gió lạnh của biển cả, đặt chân lên núi băng, nhìn ngắm hàng nghìn con chim cánh cụt hay những con hải cẩu to gấp đôi người nằm lười trên tảng băng trôi, nghe âm thanh những tảng băng lở rơi vào dòng nước.
"Con tàu nhẹ lướt qua hai hàng núi băng sừng sững, mặt nước phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ phản chiếu. Thật kỳ diệu khi nhìn thấy mình là một chấm nhỏ bé trong đó", Thắng kể.
Kết thúc Nam Cực, chàng trai tiếp tục khám phá Trung Mỹ và vùng Caribe, sau đó bay hai chuyến để đến Canada, thực hiện roadtrip 3.000 km xuyên qua các công viên quốc gia được mệnh danh đẹp nhất vùng Bắc Mỹ.
Cảm giác thật "tuyệt vời" khi băng qua những ngôi làng đẹp như tranh vẽ dọc đường. Cảnh vật liên tục thay đổi vì hạ độ cao, từ cây lá kim chuyển thành những khu vừng tán rộng, nhiệt độ cũng tăng dần. Đoàn của Thắng còn trải nghiệm những cung đường hiking len lỏi qua rừng thông và dòng suối xanh ngọc chảy từ núi tuyết. Chàng trai thích thú khi được gặp đàn sơn dương gặm cỏ, hươu, đại bàng Bắc Mỹ và cả những cặp gấu mẹ con xuống sát làng để ăn hoa.
Vốn dự định dành hai năm đi khám phá 100 quốc gia, nhưng sau 16 tháng, đôi chân cũng đã mỏi. Cảm giác nhớ nhà, thèm những bữa cơm và nói tiếng Việt giục giã Thắng trở về. Chàng trai kết thúc chuyến đi vào tháng 7/2024, sau gần một tháng khám phá Australia.
Đi dài ngày, những lúc cô đơn, nhớ nhà, Thắng ưu tiên ở một thị trấn, hoặc nơi có thể thuê được một căn nhà giá rẻ, để được nấu ăn và sinh hoạt giống như ở Việt Nam. Khi đó, anh cho phép mình được lười biếng nằm xem phim. Sau những chuyến đi đến các vùng hẻo lánh, ít người, không giao tiếp được nhiều, Thắng sẽ về các thành phố lớn, chọn ở phòng dorm, nơi được tám chuyện với những người bạn khắp các quốc gia cũng đang độc hành.
"Du lịch một mình buồn nhưng giúp mình không bị bó hẹp sự tập trung trong nhóm nhỏ mà luôn mở lòng với mọi người, giúp trải nghiệm tốt hơn và chuẩn bị trước tình huống xấu nhất có thể xảy ra", Thắng nói.
Sau chuyến đi, Thắng vẫn duy trì công việc kinh doanh hiện tại nhưng anh dự kiến làm thêm việc liên quan tới đam mê du lịch, như tổ chức các tour độc lạ và hỗ trợ mọi người làm visa. Chàng trai Vũng Tàu cũng ấp ủ tiếp tục lên chuyến tàu từ Bắc Kinh đến Moskva, hoặc đi Đông Phi và các đảo ở Nam Thái Bình Dương anh chưa thực hiện được trong chuyến đi vừa qua.
Gần hai tháng sau khi quay về, Thắng vẫn chưa quên được cảm giác bồng bềnh khi ở Nam Cực, hay khi ngồi trên chiếc xe suốt 8 tiếng băng qua sa mạc, chỉ có một con đường với bốn bề cát trắng.
"Tôi vẫn còn nguyên cảm giác bình yên khi ngủ ở các thị trấn nhỏ nơi cảnh sắc, con người vẫn chưa bị thế giới hiện đại tác động, cảm giác như lạc vào những câu chuyện xa xưa", chàng trai nói.
Phan Dương