Trần Đặng Đăng Khoa, phượt thủ đến từ TP HCM, đang trong hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy. Anh tự nhận mình có trình độ tiếng Anh "xàng xàng" hồi đi học và được cải thiện nhiều sau khi đi làm cho công ty nước ngoài. Một tháng trước khi khởi hành chuyến đi trên, anh thi thử IELTS và được 7.0.
Dù rất tự tin với vốn tiếng Anh nhưng Khoa cũng phải "giắt túi" vài mẹo khi tiếng Anh trở nên vô dụng. Theo anh, đến mỗi nước cần học trước một số từ như xin chào, cảm ơn, xin lỗi, có, không, bao nhiêu… Nếu có thể hãy học đếm từ một đến 10. "Mình đếm được từ một đến 10 của 7 thứ tiếng", Khoa nói.
Anh cho biết "chiêu" này giúp gây thiện cảm rất tốt với người dân địa phương, nhiều khi được bán giá rẻ hơn hoặc giúp đỡ nhiệt tình. Đôi khi nó còn có hàm ý "tôi không phải dễ chơi đâu nha, đừng có nói thách đó".
Các nước lân cận hoặc cùng văn hóa sẽ có một số từ phát âm giống nhau, bạn nên nhớ. Như trong chuyến vòng quanh thế giới, Khoa phát hiện ra Azerbaijan, Iran, Pakistan đều phát âm chữ “xăng” là “ben-zin” (có thể xuất phát từ chữ benzene). Hoặc các nước Hồi giáo hay dùng chữ “Assalam” hay “Salam” để chào nhau.
Cách phổ biến nhất khi không thể sử dụng vốn tiếng Anh là dùng ngôn ngữ cơ thể. Như tìm chỗ ngủ thì khép tay kề vào đầu nghiêng nhẹ chớp mắt, tìm chỗ ăn thì mở miệng rồi chỉ tay vào... nhanh gọn và hiệu quả. Tuy nhiên, phượt thủ sinh năm 1987 cũng lưu ý vấn đề khác biệt về cử chỉ, chẳng hạn như ở Bulgaria thì gật đầu nghĩa là không, còn lắc đầu nghĩa là có.
Bạn nên tìm kiếm các từ, cụm từ, câu thông dụng bằng ngôn ngữ của các nước sắp đến (mẫu tra cứu "common phrasal and sentences in..."). Sau đó lưu vào điện thoại, hoặc in ra giấy để giơ ra nếu phát âm không chuẩn. Cách này cũng nên áp dụng với tên các địa danh muốn đi, sẽ phát huy tác dụng khi tìm đường.
Thay vì ứng dụng dịch online, bạn dùng ứng dụng offline để có thể chuyển ngữ ngay khi không có mạng. Một số ứng dụng có thể đọc thành tiếng rồi đưa người dân nghe luôn nếu họ không biết chữ, rất tiện lợi. Tốt nhất, bạn mua sẵn sim 3G khi nhập cảnh để dịch online cho nhanh, cũng như dùng liên lạc khi cần gọi cứu hộ hoặc báo tin người nhà.
Sau gần 4 tháng rong ruổi qua 10 nước, Khoa nhấn mạnh quan trọng nhất khi giao tiếp là sự tự tin. "Sau vài lần dở khóc dở cười và tìm cách giao tiếp thì tức khắc phản xạ tự nhiên tăng lên và các chuyến sau không còn ngại nữa. Đi du lịch và giao tiếp với người địa phương, cố gắng phá bỏ rào cản ngôn ngữ để hiểu nhau là một bài học thực tế giúp mình tự tin hơn trong cuộc sống rất nhiều", anh chia sẻ.
Trần Đặng Đăng Khoa