Cột mốc đáng nhớ nhất của chàng trai quê Yên Thế, Bắc Giang sau bảy năm tập gym trên đất Nhật là giành được tấm thẻ Pro Card, thẻ vận động viên chuyên nghiệp của Liên đoàn thể hình thế giới (IFBB) cho phép anh bước vào thi đấu chuyên nghiệp.
"Mục tiêu của tôi năm 2022 là vượt qua vòng loại để năm 2023 trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt trên sàn đấu Mr. Olympia - sàn đấu vô địch thể hình danh giá nhất thế giới tổ chức ở Las Vegas (Mỹ)", Sơn, 30 tuổi, nói.
Đây là một thành quả mà Sơn chưa từng nghĩ đến khi bắt đầu đến với gym năm 2014. Thời đó, anh và bạn gái cùng là du học sinh ở Nhật. Hàng ngày, sau giờ học ở trường, Sơn đi làm thêm "điên cuồng", 8-12 tiếng mỗi ngày, chẳng còn lúc nào dành sự quan tâm cho bạn gái. Từ 51 kg, chàng trai cao 1m68 chỉ còn 47 kg khi bạn gái nói lời chia tay.
Sơn quyết định đi tập để "giải tỏa căng thẳng, vừa làm đẹp, tăng giá trị bản thân". Bạn cùng phòng ra sức can ngăn bởi tốn tiền, không phù hợp với kinh tế du học sinh.
Để có hai tiếng tập gym mỗi ngày, Sơn giảm thời gian làm thêm buổi tối. Tiền tập bằng gần nửa số tiền sinh hoạt phí hàng tháng. Không có tiền thuê huấn luyện viên (PT), anh chàng du học sinh người Việt đành tự học bằng YouTube hay đặt mua sách hướng dẫn thể hình từ Mỹ về. Sơn cũng tự học về dinh dưỡng, cách tính lượng calo nạp vào cơ thể cũng như các phương pháp tập luyện. Sau sáu tháng, cân nặng của anh tăng lên 60 kg, thân hình săn chắc.
Tự tin hơn về hình thể, Sơn tăng cường giao lưu trên các hội nhóm người Việt tại Nhật và bắt đầu nhận được nhiều lời hỏi thăm về cách tập luyện cũng như chế độ dinh dưỡng. Thấy mọi người quan tâm đến gym, anh nhập thực phẩm bổ sung của Mỹ cho người luyện tập thể hình, bán thử. Tháng đầu tiên, tiền lãi thu được cao hơn tiền làm thêm những công việc tay chân như bốc vác, phụ quán ăn... trước đó.
Tháng 4/2016, Sơn thi đỗ vào Đại học quốc tế Kyushu, chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Đi học nhưng đầu óc anh lúc đó chỉ quan tâm đến môn thể hình. Năm thứ hai, Sơn quyết định bỏ học để lập nghiệp sớm bằng bộ môn này.
Tuy vậy, để được ở lại Nhật theo diện visa kinh doanh, Sơn phải thành lập công ty với vốn điều lệ ít nhất một tỷ đồng. Không thể giấu giếm gia đình, anh đánh liều gọi về quê vay tiền, nhưng vấp phải sự phản đối dữ dội. Bố anh, ông Lương Cao Công còn tuyên bố: "Nếu bỏ học đừng vác mặt về quê".
Sơn vay mượn họ hàng, bạn bè để nhập thực phẩm bổ sung cho người tập thể hình từ Mỹ sang Nhật. Lô hàng đầu tiên, anh dốc toàn bộ vốn quyết "chơi lớn", nhằm chứng minh năng lực với bố. Do không tìm hiểu kỹ, một số thành phần trong lô hàng mới không được lưu hành tại Nhật, bị cấm thông quan. Mất hàng, công ty đứng bên bờ vực phá sản. Sợ bị trục xuất, lại kèm khoản nợ cả tỷ đồng treo lơ lửng trên đầu, Sơn lao vào làm việc. Bất động sản, buôn bán đồ cũ, làm tóc... việc nào kiếm ra tiền là anh làm, ngày 15-16 tiếng.
"Có những ngày Sơn làm việc gần như không ngủ, lái xe chạy khắp Nhật Bản kiếm từng đồng. Nửa năm đầu, tiền ăn cậu ấy phải đi vay bạn bè, nhưng chưa khi nào kêu ca một câu", Nguyễn Viết Phong, bạn thân, cũng là người mở công ty cùng Sơn chia sẻ.
Lấy chỗ này đắp chỗ kia, sau một năm, công ty dần ổn định, nhưng lợi nhuận thấp. Sơn thay đổi chiến thuật, ghi danh tại cuộc thi thể hình Evolgear Japan Open ở thành phố Osaka, tháng 6/2018, nhằm "đánh bóng" tên tuổi, hy vọng bán được nhiều hàng hơn. Tuy vậy, lần ra quân đầu tiên, Sơn không lọt top 20.
"Thất bại ở đâu phải đứng lên ở đó", anh tự nhắc mình, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân không được tiến sâu. Sau nhiều đêm thức trắng nghiên cứu băng hình cũng như đọc sách chuyên sâu, chàng trai nhận ra chế độ ăn uống của mình chưa chính xác. Một tuần trước thi, thí sinh phải giảm uống nước, giảm lượng muối nhằm giúp da và cơ bám sát cơ thể, khi lên sàn thi đấu, thể hình sẽ cân đối hơn.
Hai tháng sau, tại cuộc thi thể hình tại tỉnh Fukuoka, Sơn giành chức vô địch. Anh nổi tiếng hơn trong cộng đồng người Việt tại Nhật, lượng người theo dõi trên mạng xã hội tăng 2-3 lần, hàng bán ra cũng nhiều hơn. Cuối năm 2019, Sơn trả được hết nợ. Công ty từ hai người ban đầu giờ tăng thêm 12 nhân viên.
Làm ăn khấm khá, Sơn bắt đầu bành trướng sang các lĩnh vực khác. Tháng 10/2019, phòng tập 100 m2 của anh khai trương tại trung tâm thành phố Osaka, cũng là phòng tập thể hình đầu tiên của người Việt tại Nhật. Ngoài phòng gym, hiện Sơn còn mở salon tóc, cửa hàng đồ cũ... Tổng doanh thu hàng tháng khoảng hai tỷ đồng, lợi nhuận 35%.
"Làm gì Sơn cũng rất cố gắng, dù thể hình hay trong công việc. Khi làm trong công ty bất động sản của tôi, cậu ấy thường được bầu nhân viên xuất sắc nhất", anh Nguyễn Đức Long, ông chủ cũ của Sơn, cũng là Phó chủ tịch hiệp hội thương mại Nhật - Việt chia sẻ.
Vẫn chưa quên thất bại năm 2018 tại giải đấu thể hình ở Osaka, tháng 10/2020, Sơn lại ghi danh tại Evolgear Japan Open, nơi quy tụ 300 vận động viên danh tiếng vùng kansai (7 tỉnh quanh Osaka) Nhật Bản. Lần này, anh giành chức vô địch. Năm 2021, anh tiếp tục trở thành quán quân giải West Japan Championships và Olympia Amateur Japan.
Giờ thấy con trai đắm đuối với thể hình, ông Lương Cao Công không còn hỏi khi nào quay lại trường đại học nữa. Còn với Sơn, anh đang lên kế hoạch xây dựng thương hiệu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho người tập thể hình của riêng mình ngay trên đất Nhật nhưng mang thương hiệu Việt.
"Điều này hạnh phúc hơn là có nhiều tiền bạc", Sơn nói.
Hải Hiền