Trong ngôi nhà rộng 20 m2 tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa, chàng trai 25 tuổi đang ghép những mảng rêu xanh vào bức tranh dài 2 m mô tả khu rừng nhiệt đới với các mảng cao, thấp phân tầng.
Toàn bộ số thực vật được Tuấn Anh sử dụng là rêu bảo tồn (The Rare Moss) - những lớp rêu thông qua nhiều quá trình xử lý khác nhau, làm ngưng sự phát triển tế bào thực vật nhưng vẫn giữ được hình dạng, màu sắc và độ đàn hồi như rêu sống (Live Moss).
"Rêu bảo tồn không cần chăm sóc, không bị phân hủy, phù hợp với người bận rộn nhưng muốn đem sắc xanh vào không gian sống. Chúng như một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật thực vật độc lạ được trưng bày trong nhà", anh giải thích.

Anh Tuấn Anh cùng bức tranh rêu bảo tồn dài 2 m vừa hoàn thiện tại cửa hàng trên đường Hồ Đắc Di, chiều 8/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Thú chơi rêu xuất hiện ở Việt Nam hơn chục năm, thường trồng kết hợp với cây bonsai, thủy sinh hoặc Terrarium (hệ sinh thái thực vật thu nhỏ trong bình thủy tinh), nhưng để biến rêu thành một tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ thì hiếm người làm.
Ba năm trước, khi công việc tạm ngưng vì dịch bệnh, Tuấn Anh tìm đến thú chơi cây cảnh để giải khuây. Ban đầu anh trồng cây, làm các bình Terrarium, nhưng càng đi sâu tìm hiểu, chàng trai Hà Nội dành sự quan tâm đặc biệt với rêu.
"Từ trước đến nay rêu chỉ là phần phụ trong một tác phẩm, dễ bị các thực vật khác lấn át nên tôi muốn là một trong những người tiên phong phát triển ngành rêu nghệ thuật, đặc biệt là rêu bảo tồn, phục vụ những người muốn chơi nhưng không có thời gian chăm sóc", anh chia sẻ.
Là loại hình mới, ít tài liệu, kén người chơi, Tuấn Anh khi đó phải tìm tài liệu nước ngoài, tham gia các hội nhóm quốc tế để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Thời gian đầu chưa biết cách xử lý rêu sống, tính toán liều lượng các chất để bảo tồn, quá trình phơi chưa đạt chuẩn... khiến anh liên tục gặp thất bại.
Tháng 6/2022, sau hai năm nghiên cứu và tạo ra sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, anh đã trình làng các bình Terrarium sử dụng rêu sống và các tác phẩm từ rêu bảo tồn, theo phong cách nghệ thuật hình khối và tối giản.
Theo Tuấn Anh, tạo ra một tác phẩm tranh rêu bảo tồn buộc phải trải qua bốn bước. Một là loại bỏ toàn bộ đất, cát, vi sinh vật sống trên rêu tươi, để thực vật ở trạng thái sạch nhất; hai là sử dụng các chất bảo tồn, qua nhiều quá trình xử lý khác nhau để rêu rơi vào trạng thái "ngủ đông"; ba là phơi để chất bảo tồn ngấm vào tế bào rêu; và cuối cùng là sáng tạo thành tranh treo tường, làm hòn non bộ hoặc các vật phẩm trưng bày tại bàn làm việc, hộc bàn. Trung bình một tác phẩm mất 7-10 ngày để hoàn thiện, cần tối đa hai người làm.
"Nhưng khó nhất là quá trình phơi. Công đoạn này mất từ 5-7 ngày trong điều kiện có nắng và thời tiết hanh khô, nhưng nếu gặp ngày trời nồm ẩm, người thợ thiếu kinh nghiệm khiến rêu phơi chưa tới độ, dễ bị hỏng, buộc phải làm lại", anh nói.

Bức tranh rêu bảo tồn có đường kính 1,2 m được Tuấn Anh thực hiện hồi tháng 6 cho khách đặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lần đầu giới thiệu các bức tranh rêu bảo tồn không cần chăm sóc nhưng vẫn giữ nguyên độ tươi xanh ra thị trường, nhiều người không tin. "Nhưng đó là họ chưa biết đến các kỹ thuật làm rêu bảo tồn. Và nhiệm vụ của tôi là giới thiệu, giải thích về sản phẩm này đến với người dùng, dù loại hình này phát triển rất lâu ở nước ngoài", chàng trai 25 tuổi chia sẻ.
Khác với các thực vật có tỷ lệ sống phụ thuộc vào cách chăm sóc, tranh rêu bảo tồn có độ bền từ 5 năm đến vài chục năm. Trong trường hợp tranh bám bụi, bạc màu sau thời gian dài sử dụng, khách hàng có thể liên hệ cửa hàng để được bảo dưỡng, làm sạch.
So với mặt bằng chung, giá bán các tác phẩm từ rêu sống và bảo tồn của Tuấn Anh nhỉnh hơn. Lý giải về điều này, anh cho rằng đây đều là sản phẩm mới, mang lại không gian sống xanh cho căn nhà nhưng không tốn thời gian chăm sóc. Chưa kể, hơn 20 loại rêu sử dụng đều là hàng cao cấp ở trong và ngoài nước mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
"Khi tôi giới thiệu về sản phẩm đa số khách hàng đều ưng ý và quyết định mua", chàng trai trẻ nói và cho biết khách chọn tranh rêu bảo tồn trong độ tuổi từ 25 tuổi đến 45 tuổi, kinh tế ổn định, muốn làm đẹp cho không gian sống.
Tháng 6/2022, anh Trần Phương Nam, 30 tuổi, quận Long Biên, đặt mua một bức tranh rêu của Tuấn Anh, giá 16 triệu đồng. Biết đến cửa hàng qua các sản phẩm Terrarium với mong muốn trang trí cho phòng ăn nhưng anh Nam lại bị thu hút bởi tranh rêu bảo tồn.
"Các lớp tường rêu bảo tồn được thiết kế cực kì tỉ mỉ và phức tạp, khiến phòng ăn của gia đình tôi thêm sinh độc, có sức sống. Đặc biệt khi ánh điện vàng chiếu vào chúng càng trở nên lung linh, có chiều sâu, xem rất đã mắt", anh Nam bày tỏ.

Một góc không gian trưng bày các sản phẩm tranh rêu bảo tồn, Terrarium tại cửa hàng của Tuấn Anh, chiều 8/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Bên cạnh lượng đơn hàng ổn định từ các sản phẩm Terrarium, Tuấn Anh đã cung cấp hơn 30 tác phẩm về tranh rêu ra thị trường với đủ các kích cỡ, từ để bàn cho đến các sản phẩm có kích thước lớn. Giá các sản phẩm Terrarium dao động 1-5 triệu đồng, riêng tác phẩm rêu bảo tồn từ 2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng, thậm chí là cả trăm triệu đồng tùy thuộc vào kích thước, độ khó và yêu cầu của khách hàng.
Trong thời gian tới Tuấn Anh dự định thực hiện nhiều tác phẩm từ rêu mang phong cách độc lạ, gửi gắm các thông điệp riêng đến khách hàng. "Rêu nghệ thuật là cả một kho tàng cần nhiều thời gian để tìm hiểu và khai phá. Bên cạnh việc tạo các tác phẩm mới, tôi muốn xây dựng một cộng đồng chơi rêu chuyên nghiệp ở Việt Nam", chàng trai 25 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn