Tuấn chăm chỉ tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Ảnh: Nguyễn Hòa. |
Dáng lom khom, hai tay bị liệt quặp hẳn về phía sau, Tuấn kẹp bút vào chân phải rồi cặm cụi viết. Đã hơn một tháng kể từ ngày nghỉ học lớp 8 ở trường THCS Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội), Tuấn chỉ ở nhà tập viết, làm thơ, nghe đài và xem tivi. Em muốn quay lại học ở trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) nhưng vẫn chưa được chấp nhận.
Là con trai duy nhất trong gia đình có 4 anh chị em, từ lúc chào đời cậu bé Nguyễn Kiều Anh Tuấn đã chịu nhiều bất hạnh. Sinh non ở tháng thứ 7 giữa mùa đông lạnh giá, mẹ lại thiếu sữa khiến thể trạng Tuấn yếu ớt. Bác sĩ khuyên nên đưa em vào bệnh viện điều trị để tránh các căn bệnh hiểm nghèo, nhưng gia đình khó khăn nên Tuấn đành ở nhà.
Được 5 tháng tuổi, Tuấn lên cơn sốt, quấy khóc bất thường. Bác sĩ chuẩn đoán em bị bại não. Nghe ai mách cách gì, vợ chồng anh Nguyễn Kiều Hồng và chị Lê Thị Hoa đều làm theo nhưng bệnh tình của con trai không thuyên giảm.
Một trong số những tác phẩm Tuấn vẽ bằng chân. Ảnh: Nguyễn Hòa. |
Đôi tay Tuấn teo tóp không cử động được, chiếc lưỡi đầy dãi dớt luôn trong trạng thái thè ra khiến tiếng nói của em không rõ ràng. Trước lúc 3 tuổi, Tuấn hay bị ngoẹo đầu, không thể đi được. Nóng giận, anh Hồng quát mắng con mà lòng đau đớn. Anh rèn cho con đi từng bước, ngã bắt đứng dậy, mặc cho Tuấn khóc lóc, van xin.
Năm 7 tuổi, Tuấn đi được nhưng vẫn ngã liên tục. Nghe lời bố, Tuấn tự cầm giấy bút ra ngồi học chữ cạnh chị gái. Khi ăn cơm, em cố gắng dùng chân cắp hạt cơm bị rơi cho vào mâm. Nhìn thấy hành động đầy ý thức của Tuấn, anh Hồng suy nghĩ "trời cho con sống thì mình phải có nghĩa vụ giúp con tự lo cho cuộc sống sau này". Người đàn ông ấy bắt đầu quan tâm hơn tới việc dạy con làm việc bằng chân. Nhờ bố rèn, hiện Tuấn có thể chơi các trò bắn bi, ô ăn quan, tự xúc cơm, viết chữ, thậm chí tắm gội cũng làm bằng chân.
Một năm sau, Tuấn được đưa vào Trung tâm phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Sau gần 3 năm điều trị tại đây, ngày 8/3/2004, Tuấn tự vẽ bức tranh với nội dung đứa con cầm bông hoa năm cánh đỏ tươi tặng mẹ. "Con trai sống tốt, biết nghĩ đến mẹ và gia đình là tôi không còn mong mỏi gì hơn. Tôi đã rất xúc động khi nhận được bức tranh Tuấn vẽ bằng chân", chị Hoa chia sẻ.
Thời gian rảnh rỗi trong trung tâm Tuấn ngồi vẽ tranh, sáng tác thơ. 19 tuổi, Tuấn đã hoàn thành tập thơ "Ký ức đời tôi", "Thế giới người tàn tật" gồm gần 100 bài viết theo thể lục bát và tứ tuyệt. Những bài thơ thể hiện tâm hồn lạc quan, trong sáng. Tuấn chăm sáng tác vì với em "thơ là nơi để giãi bày, là nơi em cảm thấy cuộc đời đầy ý nghĩa".
Dù hiện tại không được đến trường nhưng Tuấn vẫn theo đuổi ước mơ trở thành nhà thơ. Ảnh: Nguyễn Hòa. |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân (Trung tâm trẻ khuyết tật Thụy An) cho biết Tuấn rất có ý thức, giàu tự trọng và luôn muốn vươn lên. Em tự nguyện xin nghe đài, đọc báo và học đánh máy vi tính. Sau thời gian sống ở trung tâm Thụy An, Tuấn về nhà và theo học lớp 8 trường THCS Sen Chiểu cách nhà 1km. Hàng ngày Tuấn đeo cặp chéo vai đi bộ đến trường.
Sự quan tâm của thầy cô khiến Tuấn gạt bỏ tất cả lời trêu đùa của học sinh trong trường để đi học. Được hơn một tháng, mọi thứ trở nên quá khó với Tuấn bởi tốc độ viết bằng chân khá chậm khiến em không thể theo kịp bạn bè. Nghỉ ở nhà, Tuấn xin bố đi bán tăm vì không muốn trở thành kẻ vô dụng. Thương con, anh Hồng gửi đơn xin Trung tâm Thụy An cho Tuấn trở lại học tập. Tuy nhiên đã nhiều tháng nay gia đình chưa nhận được câu trả lời.
Ở nhà, Tuấn chăm chỉ đọc sách, nghe đài và luôn ấp ủ ước mơ trở thành nhà thơ.
Nguyễn Hòa