Mới hôm nào Trương Minh Tuấn 25 tuổi, quê ở Hoằng Phong (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) còn là chàng thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, là trụ cột nuôi mẹ bị ung thư, bố tiểu đường và em trai viêm gan B. Đùng một cái Tuấn ngã bệnh: Ung thư bạch cầu dòng tủy.
Điều trị tại khoa Cấp cứu (Viện Huyết học truyền máu Trung ương) được vài tuần, sức khỏe của Tuấn luôn diễn biến thất thường. Nằm trên giường bệnh, khuôn mặt chàng trai 25 tuổi nhợt nhạt, ánh mắt yếu ớt. Giọng mệt mỏi, Tuấn cho biết từ sau ngày nhập viện sức khỏe yếu dần, cả đêm mất ngủ vì đau buốt. Nếu như lúc trước anh có thể vác 70-80 kg gạo ngon lành thì giờ đây đến tự bước đi cũng khó khăn.
"Từ hôm nhập viện tôi phải thở bình oxy, ăn vào nôn ra, ban đêm không ngủ được. Tôi luôn gắng sức nhưng cơ thể không theo kịp lý trí nên người cứ rã rời ra", chàng trai trẻ thều thào nói.
Trước đây, Tuấn học Đại học Hồng Đức. Ra trường anh làm kỹ sư chăn nuôi cho một công ty chuyên sản xuất lợn giống ở Đồng Nai và gắn bó với nơi này hơn 3 năm. Một tháng gần đây Tuấn thấy người nôn nao, da dẻ nhợt nhạt, sức khỏe cứ đuối dần. Đi khám thì được kết luận bị bệnh ung thư bạch cầu. Vô cùng hoang mang về bệnh, chàng trai vẫn không dám gọi báo cho gia đình biết vì sợ họ sẽ không chịu đựng nổi.
"Lúc đầu biết bệnh tôi cũng đau buồn lắm, không ngờ ở độ tuổi 25. Sau đó tôi tự nhủ với bản thân cố gắng tìm mọi cách để chữa bệnh", Tuấn nói.
Điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) được 20 ngày, Tuấn xin chuyển về quê cho gần gia đình. Khi về quê bệnh tình càng nặng, sốt liên miên kèm theo chảy máu chân răng nên Tuấn lại phải nhập bệnh viện đa khoa tỉnh. Bệnh diễn biến phức tạp, Tuấn được chuyển ra Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Trong những ngày nằm viện điều trị tại đây, Tuấn luôn nghĩ về gia đình và khát khao được sống để có cơ hội chăm sóc những người thân yêu.
"Là trụ cột của gia đình, tôi luôn cố gắng làm việc để gửi tiền về cho bố mẹ và em trai chữa bệnh. Giờ tôi mang bệnh, không có tiền cho bố mẹ nữa, tôi suy nghĩ khó thông lắm", chàng trai trẻ tuổi trăn trở.
Ngồi bên giường bệnh của con trai, bà Cao Thị Chung (51 tuổi) quay mặt đi giấu dòng nước mắt. Người mẹ bất lực nhìn đứa con trai mới trưởng thành đang gồng mình chiến đấu với căn bệnh hiểm ác. Hơn một tháng qua, bà đồng hành cùng con vượt hơn 1.700 km từ Đồng Nai trở về quê rồi lại khăn gói ra Hà Nội trị bệnh. Suốt chặng đường dài, người mẹ già cố gắng không để nỗi đau của mình ảnh hưởng đến tâm trạng con.
"Không còn gì đau khổ hơn khi biết con bị bệnh hiểm nghèo mà người làm cha mẹ lại nghèo túng lo từng bữa cơm", bà Chung nghẹn ngào nói. Gia đình bà Chung hiện giờ không còn ai khỏe mạnh. Bố Tuấn bị tiểu đường tuýp 2 đã biến chứng lâu năm, em trai Tuấn viêm gan B, còn bà cũng bị u lympho ác tính hơn 4 năm nay. Riêng chị gái Tuấn may mắn không bị bệnh tật đã lấy chồng hơn 5 năm, điều kiện kinh tế cũng khó khăn.
Trong căn nhà nhỏ, ông Trương Văn Giang (bố Tuấn) ngày đêm nóng lòng ngóng tin con. Bệnh tiểu đường biến chứng nên ông Giang không thể đi đâu xa. Khuôn mặt người cha già khắc khổ khi kể về hoàn cảnh gia đình. Cả năm lam lũ với ruộng đồng nhưng cũng không đủ ăn. Giờ cả nhà bị bệnh mà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng.
Ông Hoàng Quốc Bình (trưởng thôn Bắc Hải, xã Hoằng Phong) cho biết: "Gia đình cháu Tuấn thuộc hộ nghèo, sống chủ yếu dựa vào vài sào ruộng. Bố mẹ đều bị bệnh hiểm nghèo nhiều năm nay nên cháu Tuấn luôn cố gắng làm chỗ dựa kinh tế cho cả gia đình. Nay không may cháu cũng mắc bệnh hiểm nghèo, người dân và chính quyền địa phương ai cũng xót xa, tự vận động nhau giúp đỡ gia đình Tuấn phần nào đó".
Theo một bác sĩ điều trị, với bệnh ung thư bạch cầu dòng tủy, trước tiên bệnh nhân phải điều trị hóa chất, cơ hội thành công chỉ đạt 50%. Nếu bệnh nhân chịu được hóa chất thì mới ghép tủy được, chi phí ghép tủy lên tới vài trăm triệu đồng.
Lường Toán