Hè 2016, 5 học viên của anh đã đạt học bổng danh giá như Erasmus Mundus, Irish Aid, trong đó Nguyễn Hoàng Bảo Uyên giành học bổng Minerva - ngôi trường có tỷ lệ chọi cao nhất nước Mỹ. Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm tự học IELTS của Vũ Hải Đăng.
Đạt 9.0 IELTS Writing là dấu mốc trên chặng đường gắn bó với tiếng Anh của mình. Thành tích này đã cho mình rất nhiều thứ, nhưng trên tất cả nó khiến mình càng yêu tiếng Anh và việc viết lách hơn. Tuy nhiên, chặng đường đến với 9.0 IELTS Writing cũng chứa đựng nhiều bí mật "kinh hoàng" mà một trong số đó là...
Mình chưa từng ôn luyện IELTS Writing
Được thừa hưởng bộ sách IELTS từ cô ruột từ những năm còn chưa vào cấp 3, IELTS Writing với mình lúc đó chỉ là những trang giấy đen xì và những hình vẽ quái dị (của Task 1).
Lúc đó và cả tận sau này khi đã vào đại học, IELTS Writing với mình luôn là những câu hỏi cao siêu và những biểu đồ phức tạp, tiếng Việt mình còn chẳng bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói là tiếng Anh.
Vì thế, khi cần IELTS cho việc du học, mình đã xác định chiến lược: Nghe đọc là trọng tâm, nói viết cố được đến đâu thì cố. Có lẽ chính vì vậy mà việc ôn thi của mình lại diễn ra rất nhẹ nhàng nhưng cực kỳ hiệu quả vì công sức được đổ vào đúng chỗ.
- Nghe tốt giúp mình thấm âm thanh và ngữ điệu tiếng Anh. Việc này giúp mình nhớ từ vựng rất nhanh và bền.
- Đọc tốt giúp mình ứng dụng ngữ pháp để hiểu văn bản một cách thực sự. Việc này tạo nền tảng ngữ pháp chắc chắn để ứng dụng khi viết câu.
Thế nhé, lời khuyên số 1 là hát nhiều chưa chắc đã hát hay, viết nhiều chưa chắc đã viết giỏi, bạn hãy cứ tập trung vào Nghe, Đọc và Ngữ pháp cho tốt đã, đừng quá căng thẳng về Writing.
Cách “trị” Task 1
Với nhiều bạn, Task 1 có lẽ là nỗi kinh hoàng. Mình cũng đã trải qua cảnh ngộ đó nên chắc lời khuyên dưới đây sẽ có ích với bạn.
Đó là cảnh ngộ gì? Vâng, đó là việc càng "cày" các mẫu câu và từ vựng Task 1 (rise, fall, hold a major proportion, etc.) thì mình càng rối loạn và... sai. Khi đó, mình đã quyết định dừng lại vì thấy sao việc ôn thi lại chán thế này.
Và mình tạm thời gạt bỏ hết mọi từ vựng, mẫu câu tiếng Anh máy móc kia đi, tập trung vào duy nhất một câu hỏi: Có gì "hấp dẫn và đáng chú ý" về cái biểu đồ đó? Và mình trả lời câu hỏi trên bằng tiếng Việt, tạm thời chưa cần tiếng Anh.
Đây chính là điểm đột phá trong quá trình "crack" IELTS Writing Task 1 của mình, vì khi tạm quên tiếng Anh đi, sự tập trung được dồn vào việc hiểu bản chất số liệu và chủ động tìm ra những so sánh, đối chiếu thú vị để mình cảm thấy... sướng trước đã.
Và mình thực sự cảm thấy rất vui sướng vì lúc đó thay vì rối mắt lên với chi chít số liệu và hình vẽ, mình chỉ chú ý đến những cái “nhất” mà thôi: cao nhất, thấp nhất, chênh lệch nhất - bài nào có số liệu cũng áp dụng được hết. Chính những cái nhất này lại “ăn khớp” với yêu cầu đề bài: chỉ trình bày những thông tin chính (key features) trong đề Task 1.
Khi đã có được phát hiện đáng giá rồi, mình ép nó vào một khuôn mẫu riêng do mình tự nghĩ ra. Đó là công thức diễn đạt: nhận xét trước, minh họa số liệu sau. Chỉ cần 3 cụm diễn đạt như vậy thôi là thừa 150 words rồi (150 words là số từ cần viết cho IELTS Writing Task 1). Nói Task 1 dễ chính là bởi lý do này.
Quan trọng hơn, chính việc “thực sự hiểu” số liệu khiến mình ít khi mắc những lỗi nghiêm trọng như nhầm lẫn đơn vị “amount, number” hay hiểu sai bản chất số liệu.
Kinh nghiệm chấm hàng trăm bài viết mỗi năm của mình cho thấy việc “không hiểu bản chất” số liệu là lỗi nghiêm trọng và phổ biến nhất bởi hầu hết thí sinh đều lao vào từ vựng, mẫu câu thay vì bỏ thời gian để “thực sự hiểu” biểu đồ.
Tốc độ là vua
Tốc độ là yếu tố quan trọng hàng đầu với bất cứ kỳ thi nào, và Writing cũng không phải là ngoại lệ. Quá trình gắn bó với IELTS Writing đã cho mình một phát hiện "cực" hay. Tốc độ của Writing lại bao hàm 4 tốc độ thành phần, gồm:
- Tốc độ giải quyết vấn đề (problem solving).
- Tốc độ huy động từ vựng và ngữ pháp để trình bày vấn đề.
- Tốc độ viết cơ học của tay (để đảm bảo mạch suy nghĩ không bị ngắt quãng).
- Tốc độ phát hiện và sửa lỗi.
Để viết tốt, bạn phải “nhanh” ở cả 4 tốc độ trên cùng lúc. Chính vì đòi hỏi cao như vậy mà kỹ năng Viết thường được đánh giá là kỹ năng “chát chúa” nhất. Và sau đây là tác dụng của 4 nhanh:
- Tư duy nhanh giúp bạn trả lời câu hỏi một cách thuyết phục (nhưng mới chỉ là ở mức độ tiếng Việt thôi).
- Tốc độ huy động từ vựng và ngữ pháp nhanh giúp bạn chuyển được nội dung suy nghĩ thành tiếng Anh một cách chuẩn xác tương đối (tức là vẫn có lỗi sai).
- Tốc độ viết cơ học của tay là khả năng bạn viết nhanh, viết đẹp và viết dễ dàng, để việc viết tự nhiên như hơi thở và hoàn toàn không ảnh hưởng tới mạch suy nghĩ cũng như tâm lý.
- Tốc độ phát hiện và sửa lỗi là khả năng bạn nhìn ra lỗi của mình để xóa sạch chúng đi, đơn giản vậy thôi.
>>Xem những thói quen giúp Vũ Hải Đăng đạt 9.0 IELTS Writing
Vũ Hải Đăng