Vẻ ngoài "gầy hơn que củi" và già dặn hơn tuổi, song Trần Ngọc Hiếu lúc nào cũng tràn đầy năng lượng với nụ cười thường trực, hết mình cho đam mê sáng chế. Sức sáng tạo và cường độ làm việc của Hiếu khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Mỗi ngày anh chỉ ngủ 4 tiếng, thời gian nghỉ ngơi được tính vào lúc ăn và ngủ. "Dù công việc có áp lực, nhưng tôi luôn thấy nhẹ nhàng", Hiếu chia sẻ.
Hiếu xe lăn, Hiếu khẩu trang, Hiếu gối là biệt danh mọi người gắn với sáng chế của anh. Nhưng Hiếu thích nhất người ta ví anh với loài hoa bất tử, bởi sự lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh.
Trần Ngọc Hiếu. |
Sinh ra ở vùng quê nghèo Ninh Thuận trong gia đình khó khăn, dưới Hiếu còn người em đang tuổi ăn học, nên ngay khi bước vào Đại học Công nghệ Sài Gòn, suy nghĩ đầu tiên của anh là đi tìm việc giúp đỡ bố mẹ. Suốt ba năm đại học, chàng trai sinh năm 1989 đã làm đủ thứ nghề. Nhiều hôm anh phải bỏ học vì đi làm từ 4h30 đến 23h30.
"Mọi thứ luôn giá của nó. Thời gian vất vả giúp tôi hiểu cuộc sống hơn để có được ngày hôm nay", Hiếu nói và cho biết người anh thần tượng không ai khác chính là ba mẹ bởi đức tính "chung tình của ba, tần tảo chịu khó của mẹ".
Dù làm nhiều hơn học nhưng bước vào năm thứ ba đại học, anh đã tạo ra sản phẩm xe lăn điều khiển bằng đầu và đạt giải nhất Robocon Tech Show 2010. Ý tưởng bắt nguồn trong một lần Hiếu nhìn thấy cụ già liệt tứ chi trên đường và nghĩ rằng làm sao để người già bớt thiệt thòi. Liệu có công nghệ nào giúp cụ già có thể tự đi lại mà không cần người khác trợ giúp.
Nhiều đêm không ngủ và một bản thiết kế xe lăn điều khiển bằng đầu được Hiếu hoàn tất. Sau này, sản phẩm được nâng lên thành xe lăn điều khiển bằng suy nghĩ và ánh mắt. Thời gian sau, Hiếu tiếp tục tạo ra robot đánh cờ tướng.
Với các sáng chế thiết thực, Hiếu được nhiều công ty về công nghệ mời làm việc. Cuối năm thứ ba, anh đưa ra quyết định khiến bố mẹ phiền lòng - bỏ học để đầu quân cho công ty, đảm nhận việc chế tạo máy móc công nghệ cao.
"Mang tiếng đi học nhưng tôi có ở trường mấy đâu, tôi mê làm hơn mà. Các sáng chế tôi tạo ra không dựa trên kiến thức đã học ở đại học. Quyết định bỏ đại học khiến ba mẹ buồn, nhưng bao giờ cũng tôn trọng quyết định của tôi", Hiếu nói và kể từ năm thứ ba đã nhịn ăn nhịn mặc dành dụm tiền mua máy tính "cũ nhất quả đất" để học từ Internet, các diễn đàn.
Làm thuê một thời gian ngắn, Hiếu quyết định tự đứng trên đôi chân của mình bằng cách thành lập công ty riêng, sáng chế ra các sản phẩm để bán. Sản phẩm đầu tiên anh làm nhận được hưởng ứng của nhiều khách hàng là chiếc gối kể chuyện cổ tích.
Hiếu nhớ lại, hồi mới làm ra sản phẩm, anh cùng cô bạn mang ra đường bán nhưng không ai để ý, sau nhiều lần cải tiến sản phẩm đã được một công ty lớn để mắt. Anh tận dụng nguồn lao động nông nhàn ở quê đảm bảo phần may mặc trang thí thủ công làm vỏ gối; còn lại nhóm ở TP HCM sẽ đảm nhiệm khâu kỹ thuật, lắp ráp đóng thành phẩm. Từ đó, Hiếu được mệnh danh là "cha đẻ của gối kế chuyện cổ tích". Hàng loạt gối khác ra đời sau này được tích hợp công nghệ như gối massage, nghe nhạc, kể chuyện cổ tích, bluetooth, gối lưu thông máu.
Giữa năm 2013, Hiếu tạo ra khẩu trang thông minh và dự định thương mại hóa sản phẩm này sau Tết. Khẩu trang được may thủ công bằng lụa tơ tằm tự nhiên, bên trong có ba lớp lọc hoạt tính ép lại, giúp lọc bụi tốt hơn. Bên trong khẩu trang có bo mạch điều khiến giúp kết nối với các loại smart phone thông qua bluetooth. Nhờ đó, người tham gia giao thông không cần dừng xe vẫn có thể nghe điện thoại, nghe nhạc.
Theo Hiếu, thị trường gối sẽ chững lại nên bản thân phải liên tục sáng tạo đa dạng sản phẩm mới. Nói về các ý tưởng, Hiếu cho biết cứ chạy lòng vòng là suy nghĩ ngay cái để làm. "Nói tôi làm kỹ thuật nhưng thật ra lại thích tìm hiểu con người. Tôi biết con người thích gì và sẽ tìm ra cái cần cho họ", anh nói.
Hiếu cũng sắp đưa ra thị trường thiết bị tiêu dùng là sạc dự phòng. Sản phẩm đánh dấu bước chuyển mình mới của anh. Chiếc sạc làm từ gỗ quý trên 40 năm tuổi được sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam, được các nghệ nhân gia công hoàn toàn bằng thủ công, điêu khắc trạm trổ. Pin dung lượng 8.800 nhưng hiệu suất năng lượng cao. Tùy tính cách và nét riêng biệt, Hiếu sẽ tạo ra mẫu sạc pin phù hợp và không cái nào giống cái nào.
Tuy nhiên, sáng chế Hiếu tâm đắc nhất vẫn đang trong phòng thí nghiệm, là người máy trẻ con có thể vui đùa cùng con người, thậm chí tư vấn tâm lý. Hiếu dự định 2 năm nữa mới tung ra thị trường.
Bên cạnh nền tàng kiến thức về kỹ thuật, chàng trai 26 tuổi cho biết, chuyện làm cái gì, làm nó như thế nào, thị trường ở đâu, tâm lý người dùng thế nào là do cuộc sống anh tiếp xúc và nhìn ra nhu cầu của mọi người.
Sản phẩm Hiếu tạo ra được dựa trên nền tảng chắc chắn chứ Hiếu không tự ý hay phung phí thời gian vào những thứ mà anh cho là ảo tưởng. Vì vậy hầu hết sáng chế khi thương mại hóa đều được thị trường tiếp nhận. "Nếu cho tôi thời gian nhiều hơn, một ngày 48 tiếng cùng các cộng sự giỏi, tôi tin sẽ còn làm nhiều hơn thế này nữa", Hiếu cho hay.
Với nhiều thành công đáng ngưỡng mộ, nhưng Hiếu không dám nhận lời khen giỏi từ mọi người. "Càng nghĩ càng thấy mình nhỏ bé, vì ngoài kia còn biết bao người giỏi, có thể vì không hợp thiên thời địa lợi nhân hòa nên chưa thể làm được nhiều thứ khác. Họ sống và chết như loài cỏ dại. Bởi vậy dù chưa làm được gì, dù chưa đi xa tôi vẫn thấy mình may mắn", Hiếu nói và cho biết bản thân luôn tâm niệm: "Nhìn xuống để thương cảm, còn nhìn lên mà phấn đấu".
Hằng ngày, Hiếu nhận những trẻ ở quê gia đình khó khăn nhưng có đam mê để giúp chúng nghiên cứu, với hy vọng tìm ra thế hệ kế thừa. "Có đứa mới vào vài ngày thấy bị rèn ghê quá đã cáo việc xin ra ngoài. Những đứa ở lại phải chịu đựng như chiến binh thép", Hiếu cho biết.
"Ai cũng có một thời, một quãng đường tuổi trẻ không thể quên, lâu lâu nhìn lại thấy mình đã đi rất xa con đường của ngày nào. Và tôi không hối tiếc con đường mình đã đi", Hiếu nói.
Hương Thu