Sau 30 năm, Jan Golembiewski mới mở lòng về biến cố thời trẻ, theo News. Jan kể, khi anh còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm, sự khao khát và niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên đã thôi thúc anh thực hiện các chuyến đi. Nhưng đó cũng là biến cố lớn nhất cuộc đời, khi anh bị bắt, bỏ tù rồi bán làm nô lệ.
Khởi nguồn niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên
Hồi nhỏ, Jan sống ở ngoại ô Canberra, Australia và mất bố khi mới 9 tuổi. Mẹ Jan kết hôn với một nhà nhân loại học, được phân công làm nhiệm vụ tại New Guinea. Do vậy, cả gia đình đã chuyển tới đó và sống cùng một trong những bộ lạc ở nơi xa xôi nhất hòn đảo. Người dân nơi đây chưa từng nhìn thấy người da trắng trước đó.
"Lớn lên trong một thế giới như vậy, bạn không thể không tin vào ma thuật", Jan cho biết.
Vài năm sau, gia đình Jan chuyển về Australia sinh sống. Đang tiếp xúc với nền văn minh như thời kỳ đồ đá, Jan bối rối khi phải quay lại cuộc sống văn minh. Bạn bè, thầy cô của Jan đã không thể hiểu, cũng như chấp nhận cách nghĩ, quan điểm về ma thuật, hiện tượng siêu nhiên trong cuộc sống - những thứ mà Jan đã có niềm tin từ hồi sống trong rừng ở New Guinea.
Rắc rối trên chuyến đi tìm điều phi thường
Tốt nghiệp cấp 3, Jan dành thời gian để đi du lịch. Mục đích của chàng trai trẻ năm đó là khám phá ra ma thuật thực sự trong cuộc sống. 18 tuổi, Jan bay tới Mỹ một mình. Anh sau đó đi xa hơn, qua Mỹ latin, rồi châu Âu. Jan bắt đầu sống với những thứ tối giản.
Sau khi gặp một nhà huyền môn Rastafaria (những người tin rằng mình được chúa cứu rỗi) ở Belize, anh càng tin vào ma thuật và những điều tâm linh trong thế giới. Em gái Jan sau khi gặp anh ở châu Âu (trước đó, Jan đã bị trục xuất khỏi Belize) tin rằng anh trai mình bị tẩy não và hoá điên.
Jan không nghĩ như vậy. Sau thời gian dài trú ẩn ở một dãy núi băng giá vùng Baravian, Đức và liên tục sống ở những nơi khó khăn nhất, Jan ảo tưởng rằng mình thực sự có sức mạnh. Anh cố gắng thử làm những điều điên rồ để xem mình có thể tạo ra những điều phi thường đến mức nào.
Thời điểm tới Niger, Jan hầu như không mang theo đồ dùng cá nhân hay giấy tờ tùy thân. Tại thủ đô Niamey, anh chàng đã đốt hộ chiếu - bước cuối cùng trong hành trình giải phóng bản thân của cậu trai trẻ.
Không tiền, không hộ chiếu, Jan vẫn may mắn đi qua các điểm kiểm tra một cách an toàn. Điều đó củng cố thêm niềm tin anh có thể làm được mọi thứ
Tuy nhiên khi qua biên giới Nigeria, anh bị cảnh sát Niger bắt vì không có giấy tờ tùy thân. Thuyết phục cảnh sát không được, Jan còn bị họ chĩa súng vào đầu. Cảnh sát yêu cầu anh tới Nigeria bằng cách vượt qua sa mạc một mình, nếu không sẽ bị bắn.
Trong cuốn hồi ký của mình, Jan nhớ lại mình đã sống sót một cách đáng kinh ngạc khi đi qua sa mạc mà không có bản đồ, không phương hướng, không thức ăn hay nước uống. May mắn thay, anh đi qua một ốc đảo và thậm chí nhặt được hai chai nước bên cạnh một bộ xương dê. Vào một sáng tỉnh dậy trên sa mạc, Jan thậm chí còn được một nhóm người dân địa phương đi qua đó cho ăn sữa chua lạc đà. Anh cũng được họ cho cưỡi một con lừa và đưa về làng.
Dù vậy, Jan vẫn bị cảnh sát Nigeria bắt và bỏ tù. Tại đây, anh bị tra tấn, khổ sai và sống trong điều kiện tồi tệ. Một thời gian sau, Jan kể những câu chuyện về niềm tin của mình cho những người giám ngục ở Lagos, nhà tù anh đang sống. Sau đó, họ lái xe đưa Jan ra ngoài ăn trưa để tiếp tục nghe câu chuyện của anh. Khi đi qua Đại sứ quán Australia, Jan xin họ được vào đây để làm lại giấy tờ, chứng minh nhân thân.
Cuối cùng, Jan được thả tự do để về Australia. Nhưng sau đó một kẻ ăn xin đã tiếp cận Jan và đưa anh đến một thị trấn tồi tàn. Ở đó, họ thông báo Jan bị bán làm nô lệ cho một kẻ buôn ma túy.
Tuy nhiên, chủ nhân mới của Jan lại đối xử với anh rất kỳ lạ. Vợ tên buôn ma túy còn nấu ăn cho Jan và sau đó anh được họ mua cho một tấm vé hạng nhất để trở về Australia chỉ sau hai tuần họ mua anh làm nô lệ.
Hiện Jan là một kiến trúc sư, học giả 49 tuổi. Anh đang sống ở vùng ngoại ô phía đông giàu có ở Sydney, Australia.