Thứ năm, 24/12/2020, 07:37 (GMT+7)

Chàng trai thu 80.000 ô cửa Sài Gòn vào những khung hình

TP HCM80.000 ô cửa từ các tòa nhà cao tầng hiện lên đa góc cạnh qua góc máy của nhiếp ảnh gia trẻ Nguyễn Thành Nam.

Năm 2012, Nguyễn Thành Nam vào Sài Gòn học đại học, sau đó ở lại làm việc tới nay vì "hợp đất, hợp người".

Nguyễn Thành Nam, 26 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện là freelancer tại TP HCM. Gặp gỡ tôi trong bộ đồ kaki, chiếc mũ beret bụi bặm đúng chất nghệ sĩ, Nam có nụ cười ngại ngùng. Chàng trai trẻ thú nhận mình giỏi truyền tải câu chuyện qua hình ảnh hơn lời nói.

Nam tình cờ đến với nhiếp ảnh từ năm 2013. Một lần anh tình cờ thấy người quen chụp bức ảnh Sài Gòn đẹp như tranh trên điện thoại. Nam bắt đầu thích thú và tìm hiểu thú vui nhiếp ảnh. Thời gian đầu anh chủ yếu nghiên cứu trên mạng xã hội, video, tài liệu nước ngoài.

Kinh phí cho một chiếc máy ảnh rất cao thời điểm ấy, trong khi điện thoại có thể đem theo mọi nơi, nên Nam quyết định đổi chiếc Nokia đắt gấp đôi của mình lấy Sony Ericsson C901. Chiếc máy này hay ở chỗ đã được lập trình lại để người dùng tự điều chỉnh toàn bộ thông số trên camera như máy ảnh mà phải hiểu thật kỹ các thông số trong nhiếp ảnh mới chơi được.

Bức ảnh chụp vào năm 2015 tại Ký túc xá Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ghi lại lớp sơn mới của tòa nhà so với màu vàng cũ kỹ trước đó.

Mất hơn 3 tháng làm quen, Nam chụp đủ thứ từ thiên nhiên đến con người, kiến trúc. Dần dần, thiết bị đầu tư tốt hơn, ảnh chụp "lên tay", chàng trai bắt đầu yêu nghề lúc nào không hay. Năm 2015, khi định hình rõ phong cách cá nhân là ảnh kiến trúc, Nam nhen nhóm ý tưởng về một bộ ảnh riêng. Tình cờ xem catalogue cắt lát về chất liệu nội thất, Nam liên tưởng tới những ô cửa tại các tòa nhà Sài Gòn và nghĩ: "Nếu thổi cho góc cạnh khô cứng ấy những ý niệm, góc nhìn cá nhân, chắc sẽ thú vị lắm".

Nghĩ là làm, Nam bắt tay vào chụp. Trong 5 năm, anh dành nhiều thời gian đi khắp các ngõ ngách Sài Gòn. Đến những tòa chung cư cũ đang trong diện giải tỏa, người dân không đồng ý cho chụp, Nam phải quay lại 2, 3 lần thuyết phục. Cũng có những lần tình cờ trên đường đi làm hay đi chơi, Nam bắt được hình đẹp ngay lần đầu bấm máy.

Tòa nhà cao nhất Việt Nam Bitexco. Ảnh chụp tháng 7/2018.

Như bức ảnh chụp tháp Bitexco tại Quận 1, anh chụp sang từ góc sân thượng một quán cà phê. Bức ảnh được ví như "tổ ong" với những lát cắt khác nhau. Giữa mảng màu lạnh thể hiện không khí làm việc căng thẳng, vẫn có những ô cửa ấm áp ghi lại khoảnh khắc người phụ nữ đang chuẩn bị bữa cơm tối.

Tận dụng những chất liệu sẵn có, mỗi bức ảnh đều mang ý niệm thể hiện rằng mỗi ô cửa như "đôi mắt tâm hồn" của Sài Gòn – một thành phố năng động, chuyển mình liên tục.

Bộ ảnh gồm hơn 1.200 bức, chia làm 3 phần, được chụp từ 2015 đến nay và còn tiếp tục bổ sung. Sài Gòn của Nam hiện lên muôn màu qua những mảng sáng - tối, giữa cũ và mới, hiện đại và cổ kính. Không chỉ ghi khoảnh khắc thời gian, anh chia sẻ những rung cảm cá nhân với mảnh đất Sài Gòn dưới con mắt một người Hà Nội. Một Sài Gòn năng động, đan xen kiến trúc cao tầng hiện đại với những công trình cũ xập xệ, nhuốm màu thời gian, khiến nơi đây luôn có nét riêng không trộn lẫn.

Nam chia sẻ: "Mình hy vọng mỗi người sẽ có ý niệm, cảm xúc riêng khi xem mỗi bức ảnh. Với những người con Sài Gòn, bức ảnh trở thành thứ họ hồi nhớ về nơi mình sinh ra, nhìn ngắm những công trình đã không còn nữa. Còn khách du lịch, đây có thể là gợi ý để họ biết thêm về kiến trúc, nhận ra nét độc đáo ở thành phố nơi họ đến".

Ảnh chụp chụp cư Viễn Đông, quận 5, TP HCM. "Những ô cửa cũng phần nào nói lên cuộc sống của người dân trong những khu chung cư này", Nam nói.
Sau khi đăng tải trên mạng xã hội, bộ ảnh đón nhận nhiều phản hồi tích cực. Nguyễn Hương Giang, 20 tuổi sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM, chia sẻ cô thấy ấn tượng cách chụp trực diện, sắp xếp bối cảnh không nhàm chán của Nam. "Nhiều khi bạn đi qua nhưng chẳng bao giờ dừng mắt để ý, nhưng khi xem ảnh, bạn mới giật mình thấy nơi mình sống đẹp như vậy", cô nói.

Ngọc Diệp