Trí bắt đầu được giới thiệu các kiểu tóc này tới khách hàng từ tháng 7/2020. Đến nay bộ sưu tập mẫu của anh đã khá đa dạng, từ mẫu hoa sen, hoa dâm bụt, cúc, hồng, ly... cho đến tạo hình khối, thác nước, thắt nơ, quả bóng đá, địa cầu.
"Mẫu sau phải đẹp và giống hoa thật hơn các mẫu trước, nhưng cốt phải tạo được sự mềm mại, uyển chuyển từ cánh hoa đến nhụy", anh nói.
Nguyễn Phát Trí tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học An Giang năm 2015, nhưng yêu nghệ thuật và có năng khiếu về hội họa nên quyết định vào TP HCM học trang điểm và làm tóc.
Anh cho biết, đằng sau những mẫu thiết kế thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội là cả một quá trình, yêu cầu sự công phu, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo.
Tùy vào độ khó, có mẫu Trí làm mất 1-2 ngày, nhưng có mẫu lên đến 2-3 tháng mới hoàn thiện. Nhưng tất cả đều phải qua năm bước cơ bản, từ phác thảo thiết kế; tính toán bố cục; tạo hình; cho đến tìm nguyên liệu, phụ kiện; và cuối cùng là tạo kiểu trên tóc thật.
Riêng các mẫu được thử nghiệm thành công, nếu muốn làm lại anh chỉ mất vài tiếng cho đến một ngày. Trí đánh giá, chúng không khó và mất nhiều thời gian như khi tạo mẫu mới.
Theo anh, một mẫu tóc đẹp không chỉ kích thích thị giác mà còn mang ý nghĩa riêng. "Ví dụ như hoa sen được coi là quốc hoa của Việt Nam, thể hiện sự kiên cường, vẻ đẹp thanh cao của con người. Hay cúc đại đóa biểu tượng cho niềm vui, sự lạc quan và hy vọng cho một tương lai tươi sáng", anh cho biết.
Đến nay, nhà thiết kế tóc này không nhớ đã từng làm bao nhiêu mẫu. Khách hàng của anh cũng đa dạng, từ khách đi tiệc, cô dâu cho đến người nổi tiếng, tùy từng bối cảnh, điểm đến anh sẽ tạo kiểu cho phù hợp. Các mẫu tóc thiết kế đặc biệt có giá từ 5 đến 7 triệu đồng, riêng tóc cô dâu dao động từ 3 đến 5 triệu đồng.
Nhận nhiều đơn khách đặt, nhưng đa phần Trí phải từ chối vì muốn dành nhiều thời gian cho việc dạy học và nghiên cứu sáng tạo, dù mức giá làm hoa trên tóc cao gấp nhiều lần so với giá thông thường, do tốn thời gian, công sức và sự sáng tạo.
Với những người trẻ muốn theo nghề, anh khuyên họ cần xác định rõ bản thân có năng khiếu về mỹ thuật hay không bởi đây là một bộ môn đòi hỏi có mắt thẩm mỹ cao. Sau đó là sự đam mê, kiên trì và quyết tâm theo nghề. Còn không, nên từ bỏ ngay để không mất thời gian, công sức và tiền bạc
Theo đuổi đam mê hơn sáu năm, Nguyễn Phát Trí nói bản thân hạnh phúc khi tạo ra cái đẹp và các tác phẩm nhận được sự đón nhận của mọi người. "Tôi muốn truyền cảm hứng sáng tạo đến những người có cùng đam mê và hy vọng ngành tóc Việt Nam ngày càng phát triển, vươn tầm thế giới", anh bộc bạch.
Quỳnh Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp