Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, Nguyễn Trần Hiếu, 28 tuổi, lần đầu được trải nghiệm mùa đông ở miền Bắc trong chuyến phượt Tây Bắc từ ngày 16 đến 28/1. Anh đã "bị sốc" trước cái lạnh của vùng núi. Chuyến đi của Hiếu rơi vào thời điểm miền Bắc rét đậm, nhiệt vùng núi từ 3 đến 5 độ C, một số khu vực núi cao xuất hiện băng giá.
"Đối với tôi, cái lạnh của vùng núi Tây Bắc khá kinh khủng. Nhưng tiết trời khắc nghiệt cũng mang đến những món quà thiên nhiên bất ngờ và đẹp", Hiếu nói.
Hiếu gửi xe từ TP HCM đi tàu ra Hà Nội, bắt đầu lái xe máy phượt qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Cung đường phượt đầu tiên từ Hà Nội đến xã Y Tý, Bát Xát, Lào Cai, dài 330 km, đây là cung đường "khó chịu" nhất hành trình với Hiếu. Mưa phùn và sương mù liên tục khiến những đoạn đường đất trở nên lầy lội, trơn trượt, bùn đất bám dày trên bánh xe.
Đổi lại, anh được trải nghiệm khoảng thời gian đẹp nhất trong năm. Xã vùng cao biên giới ngập sắc trắng, hồng của hoa mận, hoa đào. Phiên chợ của đồng bào dân tộc Hà Nhì, Mông, Giáy diễn ra vào thứ bảy hằng tuần thêm nhộn nhịp khi người dân đi mua sắm Tết, chuẩn bị đón năm mới.
Hiếu đến tham quan hai bản nổi tiếng của huyện Bát Xát là Choản Thèn, thôn cổ 300 năm tuổi ở xã Y Tý và Ngải Thầu Thượng, thôn cao nhất ở Việt Nam với độ cao 2.300m, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, thuộc xã A Lù. Những bản làng đã đổi thay, có thêm đồ dùng hiện đại nhưng người dân vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống qua các hoạt động thường ngày như họp chợ phiên, mặc trang phục thổ cẩm, thêu thùa, may vá thủ công tại nhà.
Rời huyện Bát Xát đến trung tâm thị xã Sa Pa cũng là lúc không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc, nhiệt độ giảm xuống 3 độ C, Sapa chìm trong sương mù cả ngày. Vì chủ quan, Hiếu chỉ mang theo một chiếc áo giữ nhiệt và một chiếc áo khoác. Anh đến các cửa hàng, quán ăn có bếp lửa để sưởi ấm. Do không phải lái xe đường dài, cái lạnh của Sapa lúc này chưa ảnh hưởng nhiều đến hành trình và sức khỏe.
Từ Sa Pa đi Mù Cang Chải khi sương mù vẫn phủ dày đặc, Hiếu được chiêm ngưỡng những bông hoa tớ dày (hoa đào rừng) đang nở rộ, phủ lên những cành cây trụi lá một màu hồng rực. Trên những con đường dẫn về trung tâm huyện, sắc hồng xen kẽ khung cảnh giúp xua tan bớt vẻ ảm đạm của mùa đông trên rẻo cao.
Từ Mù Cang Chải đến Mộc Châu là quãng đường khiến Hiếu "ám ảnh" nhất trong hành trình. "Không phải vì đường sá, cảnh vật mà vì cái rét buốt của miền Bắc lên đến đỉnh điểm", anh nói. Chạy xe đường dài dưới tiết trời 5 độ C, dù đã đeo găng tay, tất dày, những cơn gió cuốn theo nước mưa và sương mù thổi đến khiến tay, chân anh tê cóng.
"Thi thoảng tôi phải dừng lại dán thêm miếng dán giữ nhiệt, sờ tay vào ống pô xe để sưởi ấm", anh chia sẻ.
Các địa điểm Hiếu đến ở Mộc Châu đều chìm trong sương mù. Vào Hang Táu, sương mù bao phủ khiến cảnh vật trở nên hoang sơ đúng như tên gọi làng nguyên thủy của người Mông. Trên đường đi, sắc trắng của hoa mận nở rộ hai bên đường, dưới làn sương mù trở nên thơ mộng như bức tranh một buổi sớm đầu xuân.
Kết thúc chuyến hành trình ở Mai Châu, Hòa Bình, đã "thấm" cái lạnh buốt của vùng núi, Hiếu nghỉ ngơi tại một resort nằm bên hồ Hòa Bình cùng dòng sông Đà "huyền thoại". Hôm sau trở về Hà Nội, anh dành hai ngày cuối khám phá thủ đô trước khi gửi xe và bay trở về TP HCM vào ngày 28/1. "Dù đã về đến miền xuôi nhưng cái lạnh ở đây không kém miền núi, chỉ cần bước chân ra đường là thấy run", Hiếu nói về cái lạnh ở Hà Nội.
Hiếu cho biết hầu hết các cung đường anh đi trên Tây Bắc là đường đất, phượt bằng xe máy dễ gặp sự cố. Trên đường đến homestay tại Mù Cang Chải, Yên Bái, do trượt bánh khi leo dốc, xe máy của anh bị vỡ gương và cong tay lái. Hiếu mang đồ bảo hộ đầy đủ nên không bị thương. Sau khi Hiếu tự sửa chữa tại homestay, chiếc xe không gặp thêm trục trặc gì khác.
Dụng cụ sửa chữa xe cơ bản và bơm bánh xe cầm tay không thể thiếu khi đi phượt bằng xe máy, đặc biệt tại những khu vực đường xấu, khó đi như vùng núi phía Bắc. Ngoài quần áo ấm và đồ giữ nhiệt, Hiếu khuyên các phượt thủ nên chuẩn bị thêm giáp bảo hộ, áo mưa bộ - loại dày, để tránh mưa và sương mù, cũng có tác dụng giữ ấm, giày hoặc ủng có độ bám dính tốt, có thể đi trời mưa.
Sau chuyến đi, anh Hiếu đã "thấm" được cái lạnh "cắt da cắt thịt" của miền sơn cước. "Nhưng chịu đựng được sự khắc nghiệt ấy, tôi đã nhận được món quà đẹp đẽ mà thiên nhiên ban tặng, đó là hoa nở trong sương", anh nói.
Quỳnh Mai
Ảnh: Nguyễn Trần Hiếu